NGĂN NGUY CƠ CÔNG NHÂN MẤT VIỆC (*): Xắn tay tìm việc cho công nhân

Tương tự như các doanh nghiệp (DN) tại TP HCM và tỉnh Bình Dương, nhiều tháng qua, các DN trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, nhất là DN ngành gỗ, may mặc và giày da cũng gặp khó khăn do thiếu đơn hàng.

Cố gắng giữ việc làm cho công nhân

Điển hình là Công ty TNHH Timber Industries (sản xuất đồ gỗ nội thất, KCN Tam Phước, TP Biên Hòa), nhiều tháng qua đang gặp khó về đơn hàng, không thể bảo đảm việc làm thường xuyên cho 3.466 lao động.

Trước tình hình này, ban giám đốc công ty đã buộc phải chọn giải pháp thương lượng tạm hoãn hợp đồng lao động (HĐLĐ) với 853 công nhân (CN). Một tháng trở lại đây, khi tìm được một số đơn hàng mới, công ty đã gọi một số CN trở lại làm việc, còn lại 718 người vẫn đang tạm hoãn HĐLĐ. Dự kiến đến đầu năm 2023, công ty sẽ gọi số lao động đang tạm hoãn HĐLĐ còn lại nếu tình hình đơn hàng khả quan.

Để giữ việc làm ổn định cho người lao động (NLĐ), Công ty CP TKG Taekwang Vina (KCN Biên Hòa 2, TP Biên Hòa) buộc phải giảm bớt 2-3 ngày làm việc của CN trong tháng, trong đó sẽ có 1 ngày nghỉ phép năm. Ông Đinh Sỹ Phúc, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP TKG Taekwang Vina, cho biết: “Qua đối thoại với NLĐ, Công đoàn cơ sở rất vui khi CN thấu hiểu khó khăn và sẵn sàng chia sẻ với DN. Hiện nay Công đoàn đang thương lượng với ban giám đốc công ty lên phương án chăm lo Tết cho NLĐ, bảo đảm thưởng Tết bằng năm ngoái”.

Hoạt động thăm hỏi, tặng quà cho công nhân thường xuyên được Công đoàn Công ty CP TKG Taekwang Vina duy trì. Ảnh: DIỆU LINH

Do đơn hàng khan hiếm, Công ty TNHH Cibao (TP Long Khánh) đã lên phương án cho NLĐ nghỉ 4 ngày thứ bảy trong tháng 11. Tuy nhiên, ban giám đốc chủ trương không cắt giảm lao động. Công đoàn vẫn duy trì các hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần để NLĐ yên tâm làm việc và chia sẻ khó khăn cùng DN.

Tại Công ty TNHH Hwaseung Vina (huyện Nhơn Trạch), ban giám đốc cũng lên kế hoạch cho NLĐ nghỉ 4 ngày trong tháng 11. Hiện đơn hàng tháng 12 chưa có nhưng Công đoàn và lãnh đạo công ty thống nhất bằng mọi cách vẫn không cắt giảm lao động.

Tại Công ty TNHH Longwell (huyện Thống Nhất), dù đơn hàng giảm từ tháng 8 và phải cho NLĐ nghỉ phép 5 ngày/tháng nhưng DN vẫn trả lương 100% trên hợp đồng lao động và không cắt giảm nhân công. Bà Hỏa Thị Phương Nhi, Chủ tịch Công đoàn công ty, cho biết đang thương lượng với lãnh đạo công ty để làm sao có lương, thưởng Tết hợp lý, hỗ trợ NLĐ có điều kiện về quê đón Tết.

Ổn định đời sống người lao động

Theo thống kê của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) tỉnh Bình Dương, 9 tháng đầu năm 2022, đã có gần 14.000 lao động bị ảnh hưởng việc làm do DN gặp khó về đơn hàng.

Để hỗ trợ CN mất việc, ngoài chủ động đeo bám tình hình tại các DN gặp khó khăn, phải cắt giảm lao động, LĐLĐ tỉnh Bình Dương đã yêu cầu các Công đoàn cơ sở nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên để có biện pháp giúp đỡ. Thông tin tuyển dụng lao động từ các DN cũng được LĐLĐ tỉnh cập nhật và thông báo cho các Công đoàn cơ sở, nơi có đông CN bị mất việc làm.

Bà Nguyễn Thị Kim Loan, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương, cho biết hiện một số DN trên địa bàn tỉnh đang có nhu cầu tuyển dụng nhiều lao động như Công ty TNHH Techtronic Industries Việt Nam Manufacturing (KCN Việt Nam – Singapore I, TP Thuận An) tuyển hơn 2.300 CN; Công ty TNHH Panko Vina (KCN Mỹ Phước, thị xã Bến Cát) tuyển 1.200 CN; Công ty TNHH Giày Thông Dụng (TP Thuận An) tuyển 1.000 CN. LĐLĐ tỉnh sẽ làm cầu nối để các DN có thể trao đổi thông tin, hỗ trợ nhau giải quyết việc làm cho CN.

Tại huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai, ngoài lập các đoàn công tác đến các DN gặp khó khăn về đơn hàng để động viên, chia sẻ khó khăn với người sử dụng lao động và NLĐ, LĐLĐ huyện cũng tích cực giới thiệu việc làm cho NLĐ. “Hiện một số DN trên địa bàn huyện như Công ty TNHH SingMark, Công ty TNHH Great Veca đang rất cần lao động do có nhiều đơn hàng. LĐLĐ huyện đang kết nối để giới thiệu việc làm cho CN mất việc, nhất là CN lớn tuổi” – ông Lê Đức Thụy, Phó Chủ tịch LĐLĐ huyện Trảng Bom, cho hay.

Trước tình trạng một số DN do giảm hoặc không có đơn hàng sản xuất, phải bố trí cho NLĐ nghỉ việc thứ hai hoặc thứ bảy hằng tuần, Công đoàn KCN Biên Hòa đã chỉ đạo các Công đoàn cơ sở bám sát tình hình thực tế đời sống NLĐ và tìm giải pháp để sớm ổn định việc làm cho họ. “Ngoài tích cực giới thiệu việc làm cho CN mất việc làm, chúng tôi đang nỗ lực cùng với các Công đoàn cơ sở các DN bị ảnh hưởng đơn hàng đàm phán với chủ sử dụng lao động để NLĐ ít bị thiệt thòi nhất, nhất là vấn đề tiền lương, phúc lợi” – bà Nguyễn Thị Tuyết, Chủ tịch Công đoàn KCN Biên Hòa, thông tin.

Kết nối việc làm

Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP HCM, cho biết từ đầu năm đến nay, TP HCM có 22 DN gửi phương án sắp xếp lao động đến sở. Qua thống kê, tổng số lao động bị cho thôi việc là 1.643 người, chủ yếu thuộc lĩnh vực may gia công, công nghệ thông tin, kinh doanh bảo hiểm.

Sở LĐ-TB-XH đã giao Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố gặp trực tiếp đại diện các DN cắt giảm lao động; đồng thời phối hợp Phòng Việc làm – An toàn lao động, Phòng Lao động – Tiền lương – Bảo hiểm Xã hội phê duyệt phương án, có kế hoạch tổ chức tiếp xúc với Công đoàn cơ sở, NLĐ tại công ty thu hẹp sản xuất… để tổ chức lại lao động thông qua kết nối việc làm. Ngoài ra, Sở LĐ-TB-XH đã thống nhất thành lập tổ liên ngành để khảo sát lại nhu cầu sản xuất kinh doanh ở các đơn vị thiếu hụt đơn hàng hoặc nơi đang có đơn hàng giảm trong quý IV/2022 và quý I/2023 để các bên có phương án xử lý.

Qua khảo sát nhanh 234 DN có quy mô từ 200 lao động trở lên ở các KCX-KCN, khu công nghệ cao thì có 109 DN có nhu cầu tuyển dụng hơn 3.700 lao động; 125 DN không có nhu cầu tuyển dụng; có 8 DN cắt giảm 39 lao động và có 83 DN bị thiếu đơn hàng.

P.Anh

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 3-11


NHÓM PHÓNG VIÊN