Ngành gỗ xoay xở giữ việc làm

Báo cáo của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) và các hiệp hội địa phương cho thấy có tới 80% doanh nghiệp (DN) chế biến gỗ dự báo có mức doanh thu giảm từ 30% trở lên, đơn đặt hàng đã giảm 44,4%, cá biệt có những DN giảm 100%. Ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương, cho biết nửa đầu năm 2022, ngành gỗ Bình Dương đạt tăng trưởng khoảng 30%-50% so với cùng kỳ nhưng từ tháng 6-2022 đến nay, doanh số xuất khẩu của DN giảm, đơn hàng còn khoảng 40%.

Khó khăn bủa vây

Để duy trì hoạt động và giữ việc làm cho người lao động (NLĐ), các DN gỗ tại Bình Dương đang nỗ lực tìm kiếm đơn hàng từ các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, khu vực Đông Nam Á và tìm cơ hội ngắn hạn ở thị trường trong nước. Một số DN buộc phải chọn cách giảm giờ làm, giãn việc nhưng vẫn giữ ổn định lực lượng lao động.

Công nhân tại Công ty CP Gỗ Đức Thành nâng cao tay nghề để tạo ra những sản phẩm chất lượng cao

Tại Đồng Nai, ông Kiều Văn Đồng, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Gỗ Lee Fu, cho biết công ty có khoảng 1.700 lao động. Do kinh doanh khó khăn, không có đơn hàng nên năm nay cắt giảm hơn 1.000 lao động, hiện công ty duy trì công việc cho khoảng 650 người. Dù đã cắt giảm gần 60% lao động, DN này vẫn gặp rất nhiều khó khăn. “Công ty không đủ đơn hàng cho công nhân (CN) làm, phải hoạt động cầm chừng, thứ bảy hằng tuần CN phải nghỉ” – ông Đồng nói.

Cùng chung ngành gỗ tại Đồng Nai, Công ty TNHH Timber cũng đang tạm hoãn hợp đồng lao động 853 trong số 3.466 lao động. Mới đây, khi có một số đơn hàng, DN này đã gọi 135 người quay lại làm việc. Theo đánh giá của lãnh đạo công ty, dự kiến đầu năm 2023, toàn bộ NLĐ sẽ quay lại làm việc. Trong khi đó, Công ty TNHH sản xuất đồ mộc Chien cũng ở Đồng Nai lại thiếu lao động, không thiếu đơn hàng, CN vẫn tăng ca.

Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM nhận định tuy khó khăn nhiều vì thiếu đơn hàng xuất khẩu nhưng không vì thế mà các DN gỗ ồ ạt cắt giảm lao động. Thiếu việc làm, các DN cho NLĐ ngưng việc, giãn việc một thời gian ngắn để chờ đơn hàng mới chứ không phải cắt giảm hẳn lao động. Theo đánh giá của ông Phương, nhiều DN do người Việt làm chủ rất có tình cảm. Họ hiểu NLĐ gặp khó khi phải mất việc nên đa phần sẽ duy trì sản xuất, cố “gồng” để NLĐ có thu nhập và thưởng Tết.

Tính đường dài

Trong bối cảnh hàng loạt DN ngành gỗ cắt giảm lao động thì cũng có DN cố gắng duy trì việc làm cho NLĐ dù lượng đơn hàng giảm 30%-40%.

Đơn cử như Công ty CP Gỗ Đức Thành (quận Gò Vấp, TP HCM) đang tìm mọi giải pháp để hơn 1.200 lao động có việc làm. DN này chỉ cắt giảm lao động thời vụ, dành công việc cho lao động chính thức, không tổ chức tăng ca vào cuối tuần. Để bù đắp khoản tiền tăng ca, công ty chi trả cho mỗi người 500.000 đồng/tháng và duy trì từ tháng 9-2022 đến hết 1-2023.

Bà Lê Hải Liễu, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Gỗ Đức Thành, cho rằng trong tình hình khó khăn, không có đơn hàng, giải pháp đầu tiên mà nhiều DN là giảm lương, giảm giờ làm, cắt giảm nhân sự, nhưng Đức Thành không chọn cách này. Thay vào đó, công ty đang bán hàng giảm giá, đẩy mạnh bán hàng trên thị trường nội địa để bảo đảm nguồn lực tài chính chăm lo, duy trì đội ngũ nhân sự.

Tuy đơn hàng xuất khẩu giảm mạnh nhưng DN vẫn tiếp tục nhập hàng. Việc làm này theo lý giải của bà Liễu là để “đón đầu cơn mưa mới” và đồng hành với đối tác duy trì việc làm cho NLĐ. “Chúng tôi luôn tạo điều kiện để NLĐ có việc làm. Dịp Tết năm nay, tôi sẽ bỏ tiền cá nhân tặng mỗi NLĐ 1 triệu đồng như một phần quà tri ân họ. Tôi tự hào Đức Thành là một trong số ít DN có lương tháng 13, 14 cho NLĐ ở thời điểm hiện tại” – bà Liễu nhấn mạnh.

Theo nhận định của bà Liễu, sau mỗi cuộc khủng hoảng, nhu cầu đơn hàng luôn rất lớn, thị trường đều thiếu hàng, khi đó ai chống chịu tốt và sẵn sàng nguồn lực sẽ chiến thắng. Trong khi đó, nguồn nhân lực ngành gỗ đang có xu hướng khan hiếm dần, dịch chuyển sang nhiều ngành khác, khó tuyển lao động có kỹ năng, cạnh tranh giữa các ngành sản xuất với ngành gỗ ngày một lớn.


Bài và ảnh: GIANG NAM