Ngày xuân, viếng Lăng ông Tiền quân Thống chế Điều bát

Quan Tiền tướng quân Thống chế Điều bát Nguyễn Văn Tồn (1763-1820) dưới thời Chúa Nguyễn là người có công khai khẩn vùng đất Trà Ôn, Mân Thít (hiện là Mang Thít thuộc tỉnh Vĩnh Long), Cầu Kè (Trà Vinh) và thành lập xóm làng.

Sau khi ông mất, mộ được xây ở Trà Ôn, người dân đổ xô đến thắp hương. Kể từ đó, tín ngưỡng thờ ông Thống chế Điều bát xuất hiện và ngày càng phổ biến. Lễ hội lăng ông Tiền quân Thống chế Điều bát hằng năm thu hút hàng chục ngàn người về cúng bái để tỏ lòng tôn kính đối với tiền nhân.

Công lao to lớn

Theo cuốn “Di tích lịch sử – văn hóa tỉnh Vĩnh Long”, ông Nguyễn Văn Tồn (tên thật Thạch Duồng) là người Khmer, quê làng Nguyệt Lãng, xã Bình Phú, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh; dưới thời Võ vương Nguyễn Phúc Khoát.

Lăng ông Tiền quân Thống chế Điều bát tại huyện Trà Ôn

Thuở nhỏ, ông theo Chúa Nguyễn, hết lòng tận tụy trung thành nên được cho làm Cai Đội và cho phép chuyển sang mang “quốc thích”. Từ năm 1786-1789, ông theo Chúa Nguyễn chạy sang Vọng Các (Bangkok – Thái Lan).

Khi Nguyễn Ánh khá mạnh, trở về nước, ông được phân công đi chiêu mộ thành lập một đội quân người Khmer và lãnh nhiệm vụ thống quản đội quân đó. Ông lại được lệnh theo Võ Tánh giữ thành Bình Định, bị Tây Sơn bắt. Ông hết dạ trung thành với chúa Nguyễn, tìm cách trốn về Nam.

Không chỉ vào ngày giỗ ông Tiền quân Thống chế Điều bát mà ngày thường, nhiều người vẫn vào đây thắp hương

Sách ghi chép lại rằng ông có tướng mạo khôi ngô, võ nghệ cao cường, tính tình cương trực. Năm Gia Long thứ nhất (1802), ông được thăng Cai Cơ, trấn giữ đồn Trà Ôn (thuộc Trấn Giang) kiêm quản phủ Trà Vinh và Mân Thít (thuộc Vĩnh Trấn).

Ông có công giúp nhà Nguyễn dẹp loạn ở biên giới Tây Nam. Năm 1810, Cao Miên xảy ra nội chiến, quân Xiêm nhân cơ hội xâm lấn bờ cõi xứ này. Ông phụng lệnh triều đình theo đại quân Thoại Ngọc Hầu sang chiến đấu với quân Xiêm ở thành Lavek (Cao Miên). Thắng trận, uy danh ông vang lừng và được ban ở lại trấn thủ thành Nam Vang với trọng trách bảo hộ xứ Cao Miên. Một thời gian sau, ông được trở về trấn thủ Trà Ôn, Cầu Kè. Dịp này, ông cùng dân binh ra sức khai hoang mở đất, trồng trọt hoa màu và thành lập xóm làng.

Bên trong chánh điện

Năm Gia Long thứ 10 (1811), ông được triệu về kinh nhận ban thưởng và được thăng hàm Thống chế, tước Dung Ngọc hầu, coi việc hậu cần, lương thực. Năm 1819, ông được triều đình bổ vào chức Điều bát nhung vụ, dẫn một đoàn dân binh Khmer đến Châu Đốc để cùng Thoại Ngọc Hầu, Tuyên Trung hầu lo việc đào kênh Vĩnh Tế dài trên 100 km. Đây là con kênh có vị thế chiến lược vô cùng quan trọng về kinh tế và quân sự ở biên giới Tây Nam… Nhờ công lao to lớn, ông được ban “tứ danh” Nguyễn Văn Tồn.

Do lao tâm, lao lực, ông bị bệnh và mất vào mùng 4 tháng Giêng năm Canh Thìn (1820) tại Trà Ôn. Triều đình cử người đến ban cấp, điếu phúng. Ông được truy tặng Tiền quân Thống chế, được an táng theo nghi lễ triều đình. Sau đó, triều đình còn cấp mộ phu lo việc quét dọn mồ mã, từ đường. Năm 1828, vua Minh Mạng sắc phong ông là Trung Đẳng Thần, hàm Ân trung dũng thiên trực, tước Dung Ngọc Hầu. Phu nhân ông được ban mỹ tự “Hiền thục chi thần Thống chế đại quan”.

Theo nhiều tài liệu lịch sử, vào mùa hè năm Canh Thìn (1820), nước ta bị một trận dịch lớn khiến hàng vạn người chết. Trận dịch bắt đầu từ Trấn Tây, lan qua Nam Bộ rồi ra tận Thừa Thiên, làm chết hàng ngàn dân phu. Có một sự trùng hợp ngẫu nhiên là sau khi vợ chồng Thống chế Điều bát mất thì dịch bệnh tự dưng chấm dứt.

Bấy giờ, người dân vùng Trà Ôn – Mân Thít cho rằng ông hiển linh phù hộ dân làng khỏi dịch bệnh nên kéo đến mộ làm lễ cúng vái, mong được che chở và tín ngưỡng thờ ông Thống chế Điều bát xuất phát từ đó. Trong lúc nguy ngập, Thống chế Điều Bát được người dân địa phương xem là một vị thần linh bảo hộ.

Biết ơn người đi mở cõi

Hiện nay, lăng và mộ phần quan Thống chế Điều bát cùng phu nhân ở tại ấp Giồng Thanh Bạch, xã Thiện Mỹ, huyện Trà Ôn. Lăng ông rộng khoảng 8.000 m2, cách thị trấn Trà Ôn 2 km, trồng nhiều cổ thụ, mang nét cổ kính nhưng trang nghiêm.

Ông Lê Hoàng Khải, Trưởng Ban Lăng ông Tiền quân Thống chế Điều bát Nguyễn Văn Tồn, cho biết lăng ông thờ Thống chế Điều bát Nguyễn Văn Tồn tồn tại đã 200 năm . Qua nhiều lần trùng tu, lăng được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) quyết định công nhận là di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia vào năm 1996.

Lăng ông gồm 2 phần: Chánh điện thờ Thống chế Điều bát và phu nhân cùng các danh nhân như: Tả quân Lê Văn Duyệt, Bình Tây tướng quân Trương Định, Bình Tây Phó tướng Nguyễn An, anh hùng Nguyễn Trung Trực. Phần mộ của ông và phu nhân phía sau lăng làm theo kiểu song hồn, có câu đối ngắn, thể hiện đức độ người đã mất.

Phần mộ Thống chế Điều bát cùng phu nhân

Theo ông Khải, hằng năm ở lăng ông có lễ hội quan trọng nhất là ngày giỗ quan Thống chế Điều bát vào mùng 3 và mùng 4 Tết. Bên cạnh các nghi lễ cúng tế, Ban Trị sự Lăng ông còn tổ chức múa lân, múa rồng, hát bội, trình diễn nhạc ngũ âm, các trò chơi dân gian, ẩm thực…

“Trong những ngày này, hàng ngàn người Việt, Hoa, Khmer ở vùng Trà Ôn, Cầu Kè, Sóc Trăng… về tham dự. Lễ giỗ quan Thống chế Điều bát mang ý nghĩa là lễ cầu phước vào những ngày đầu xuân. Ngoài ra, người dân đến lễ bái là tỏ lòng “uống nước nhớ nguồn”. Do đó, tuy là lễ giỗ nhưng cũng có đầy đủ nghi tiết” – ông Khải giải thích.

Các nghi lễ trong ngày giỗ Thống chế Điều bát. Ảnh: Ban trị sự Lăng ông cung cấp

Theo hồ sơ tư liệu của Cục Di sản văn hoá, lễ hội này có đầy đủ các nghi thức cúng tế truyền thống như: Túc yết, chánh tế, lễ tế tiền hiền, hậu hiền, xây chầu và hát bội, trình diễn nhạc lễ 3 dân tộc Kinh, Hoa, Khmer.

Trong đó, người Kinh tổ chức hát bội, người Hoa tổ chức múa lân, nhạc Tùa Lầu Cấu; bà con Khmer trình diễn nhạc ngũ âm và múa hát theo truyền thống. Trước đây, vào ngày lễ hội, người dân vùng Trà Ôn tổ chức lễ rước sắc phong với trống chiêng, cờ đuôi nheo, mọi người mặc võ phục triều Nguyễn thời xưa với thắt lưng màu đỏ hoặc khăn đóng áo xanh hành lễ. Hiện nay, tục rước sắc đã không còn được thực hành.

Ngoài giỗ ông, hằng năm tại lăng còn có các ngày lễ: Giỗ Tiền quân phu nhân (16 và 17-2 âm lịch), giỗ Phó soái Nguyễn An, giỗ tiền hiền và hậu hiền (ngày 20-12).

Các em học sinh thường vào đây quét dọn

Bà Đỗ Thị Thanh (ngụ thị trấn Trà Ôn, huyện Trà Ôn) nhớ lại: “Từ nhỏ, tôi đã nghe người lớn kể về Thống chế Điều bát. Không chỉ vào dịp lễ, Tết gia đình tôi vào đó cúng bái mà ngay cả ngày cuối tuần, rảnh rỗi tôi cũng kêu con chở vào đây thắp hương để cầu bình an và tỏ lòng biết ơn đối với người đã khai hoang vùng đất này. Vào đêm giao thừa, mấy đứa con tôi làm ăn xa trở về cũng ghé lăng ông thắp hương và cầu cho năm mới bình an vì quan Thống chế Điều bát từ lâu đã trở thành vị phúc thần của người dân nơi đây”.

Hơn 30 năm tham gia đội hình cúng tế ở lăng ông vào mỗi dịp giỗ quan Thống chế Điều bát, ông Huỳnh Chiêu Cú (80 tuổi; ngụ thị trấn Trà Ôn) cho biết: “Ngày trước, khi còn khỏe, tôi cùng nhiều người tham gia trong đội cúng tế thực hiện nghi thức của phần lễ. Năm nay già rồi, không còn nhanh nhẹn như xưa nên chúng tôi nhường lại cho lớp trẻ. Tuy nhiên, những lúc rảnh là tôi vào đây lo phụ việc. Mình sống ở vùng đất này do ông khai hoang nên phải “uống nước nhớ nguồn”.

Năm 2020, lễ hội Lăng Ông Trà Ôn được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Lễ hội này thể hiện lòng tri ân sâu sắc của người Kinh, Hoa, Khmer đối với vị tướng có công với dân, với nước. Lễ hội cũng khơi dậy tinh thần đoàn kết, tình yêu thương gắn bó của 3 dân tộc trong cộng đồng để cùng nhau xây dựng quê hương, đất nước. Lễ hội Lăng Ông còn là “sợi dây” gắn kết cộng đồng, tình đoàn kết, yêu thương giúp đỡ nhau. Đây chính là giá trị nhân văn sâu sắc giúp con người hướng đến những giá trị chân – thiện – mỹ.


Bài và ảnh: Ca Linh