Nghĩa trang lớn nhất Đà Nẵng: 610 ngôi mộ bị vùi lấp, quân và dân cùng khắc phục hậu quả

Ngày 18-10, ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, cùng Đoàn công tác đã kiểm tra hiện trường, chỉ đạo khắc phục sự cố sạt lở nghiêm trọng tại Nghĩa trang Hòa Sơn (xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang). Đây là nghĩa trang lớn nhất TP Đà Nẵng.

Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng (thứ 2 từ phải qua), yêu cầu nhanh chóng khắc phục sạt lở và hỗ trợ sửa chữa các ngôi mộ cho người dân

Theo báo cáo của Sở Xây dựng thành phố, do ảnh hưởng của bão số 5, từ chiều 14-10 đến sáng 15-10, mưa lớn đã gây lũ quét, sạt lở đất đá, vùi lấp mộ nghiêm trọng tại các khu vực trong Nghĩa trang Hòa Sơn. Tổng cộng có 6 điểm sạt lở lớn trên tuyến đường số 5 phía dãy núi Đông Bắc, làm phủ lấp mặt đường giao thông và lấp nhiều ngôi mộ.

Cụ thể, ước tính có hơn 15.700 m3 đất đá bị sạt lở, phủ lấp diện tích khoảng 22.243 m2, gây thiệt hại cho 610 ngôi mộ.

Ban Nghĩa trang (Sở Xây dựng TP Đà Nẵng) đã áp dụng giải pháp khắc phục tạm thời là tận dụng đá tại chỗ làm thành rọ đá, xếp thành tường chắn phía chân núi, ngăn đất đá tiếp tục sạt lở.

610 ngôi mộ bị vùi lấp, hư hại do mưa lớn gây lũ quét, sạt lở đất đá tại Nghĩa trang Hòa Sơn

Về phương án khắc phục, Sở Xây dựng TP Đà Nẵng đề xuất vận động lực lượng bộ đội, dân quân tự vệ địa phương và người dân thực hiện vận chuyển đất, đá ra khỏi khu vực mộ và tập kết trên đường giao thông; kết hợp hỗ trợ xếp rọ đá tại những vị trí dòng chảy chính.

Tiếp đó, thuê đơn vị có chức năng thực hiện xúc và vận chuyển đất đá sạt lở trên đường giao thông đến các vị trí phù hợp và xếp rọ đá tại những vị trí dòng chảy chính. Kinh phí dự kiến khoảng 5 tỉ đồng.

Chỉ đạo tại hiện trường, ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, yêu cầu UBND huyện Hòa Vang chủ trì với sự hỗ trợ của lực lượng quân đội, nhanh chóng khắc phục sạt lở và hỗ trợ sửa chữa các ngôi mộ cho người dân.

Người dân tất tả tìm mộ của thân nhân. Nhiều người đã bất lực, không thể tìm thấy mộ người thân mình

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng yêu cầu các lực lượng phải tính toán khảo sát cả tuyến để đánh giá những nguy cơ tương tự tại các khu vực có cư dân sinh sống. Đồng thời, huyện Hòa Vang phải sớm có tham mưu cho thành phố trong việc khắc phục.

“Đây cũng là bài học để định hình lại việc trồng cây ở các sườn đồi, sườn dốc. Nhất là kinh nghiệm trong việc tạo đường đi, đường mòn lối mở chính là nguy cơ dẫn đến việc sạt lở. Sở NN-PTNT phải quản lý, đánh giá nguy cơ để khi xảy ra các trận mưa bão có phương án để tránh việc lập lại sự việc như thế này”, ông Nguyễn Văn Quảng cho biết.

Trước đó, như Báo Người Lao Động đã thông tin, sau trận mưa ngập lịch sử ngày 14-10, hàng trăm người dân đã tập trung tại Nghĩa trang Hòa Sơn để tìm kiếm mộ người thân bị vùi lấp do mưa lớn, sạt lở. Cảnh tượng tang thương khi nhiều ngôi mộ không còn nguyên vẹn. Thậm chí, một số người không thể tìm được vị trí của ngôi mộ thân nhân.


Hải Định