Nghiên cứu đổi mới mô hình tổ chức và hoạt động của Công đoàn ngành trong tình hình mới

Ngày 22-10, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học “Đổi mới mô hình tổ chức và hoạt động của Công đoàn ngành trong tình hình mới”. Đồng chủ trì Hội thảo có các Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam: Trần Văn Thuật và Ngọ Duy Hiểu; Viện trưởng Viện Chủ nghĩa Xã hội Khoa học (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) Phạm Thị Hoàng Hà.

Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, phát biểu tại hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Văn Thuật cho biết hiện nay, tổ chức và hoạt động của Công đoàn ngành đang gặp nhiều khó khăn; những khó khăn này đến lúc buộc phải nghiên cứu để có những định hướng giải quyết. Cụ thể, những khó khăn đó là: Trong một ngành nhưng có rất nhiều nghề; mô hình tổ chức của Công đoàn cơ bản theo tổ chức bộ máy nhà nước nên phụ thuộc, bị động, thay đổi, lúng túng; Công đoàn ngành Trung ương chỉ đạo Công đoàn ngành địa phương còn gặp khó khăn, vì Công đoàn ngành địa phương trực thuộc Công đoàn địa phương, không trực thuộc Công đoàn ngành Trung ương…

Theo các đại biểu, mô hình tổ chức và hoạt động Công đoàn ngành tại Việt Nam hiện nay đa dạng, phong phú, có ngành theo hình thức đơn ngành, có ngành hỗn hợp đa ngành, nhưng được cho là tương đối phù hợp với sự phát triển kinh tế ngành tại Việt Nam. Hoạt động công đoàn ngành thường gắn với nhiệm vụ chuyên môn, tạo sự hỗ trợ, gắn kết chặt chẽ, sự liên kết liên thông, chia sẻ thông tin nhanh và kịp thời, góp phần cùng chuyên môn định hướng rõ các tiêu chuẩn, tiêu chí, chính sách ngành chính xác hơn, thúc đẩy phát triển kinh tế ngành mạnh mẽ và bền vững.

Bước đầu một số ngành, nhất là ở địa phương đã hình thành các thương lượng tập thể theo ngành hoặc định hướng thoả ước lao động tập thể theo nhóm doanh nghiệp, góp phần bảo vệ quyền lợi người lao động tại ngành…

Tuy nhiên Công đoàn ngành đang gặp phải một số vấn đề cấp bách cần tổ chức nghiên cứu, tìm ra giải pháp đổi mới. Số lượng đoàn viên Công đoàn ngành đang giảm nhanh và sâu do tái cơ cấu, chuyển đổi nhanh hình thức sở hữu; vai trò, vị thế, vị trí của Công đoàn trong các ngành có khác nhau; Công đoàn ngành Trung ương khó khăn trong chỉ đạo Công đoàn ngành địa phương; quan hệ chỉ đạo Công đoàn cơ sở giữa ngành, địa phương còn nhiều vướng mắc… Bên cạnh đó, do yêu cầu chuyên môn cao nên việc lựa chọn cán bộ chủ chốt của Công đoàn ngành rất khó khăn. Việc tiếp thu kinh nghiệm quốc tế về hoạt động Công đoàn ngành còn hạn chế.

Ông Trần Quang Huy, Chủ tịch Công đoàn Công Thương Việt Nam, cho rằng cần phải thiết kế được mô hình phát huy được hiệu quả của 2 hệ thống (Công đoàn ngành và Công đoàn địa phương) để thực hiện nhiệm vụ chung của tổ chức Công đoàn; phục vụ tốt cho đoàn viên công đoàn và Công đoàn cơ sở…

TS Nguyễn Mạnh Cường, nguyên Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), cho rằng cần rà soát, đánh giá lại nhiệm vụ của Công đoàn ngành và dù tổ chức mô hình Công đoàn ngành theo hướng nào thì mục tiêu cuối cùng của Công đoàn ngành vẫn là phục vụ đoàn viên, người lao động.

Những ý kiến góp ý, thảo luận tại Hội thảo sẽ được Tổng LĐLĐ Việt Nam tổng hợp, là căn cứ khoa học để sửa đổi Điều lệ Công đoàn Việt Nam và Luật Công đoàn năm 2012.


Văn Duẩn