Nhiều tiềm năng phát triển ngành hàng rong biển

Tại hội nghị về nhiệm vụ và giải pháp phát triển ngành hàng rong biển do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với tỉnh Phú Yên vừa tổ chức, Tổng Cục thủy sản cho biết: Hiện nay, Việt Nam có 88 loài rong biển có giá trị kinh tế và có thể trồng được trên diện tích 900.000 ha. Tuy nhiên, cả nước chỉ khai thác trồng được 10.150ha rong biển. Việt Nam còn nhiều dư địa để khai thác, phát triển ngành này.

Khai thác rong nho

Tổng Cục thủy sản cho rằng ngành hàng rong biển có tiềm năng nhưng cần sự vào cuộc tích cực từ các địa phương, doanh nghiệp, người dân. Qua đó, kiến nghị các địa phương cần đánh giá tiềm năng lợi thế, tìm hiểu nhu cầu thị trường để xây dựng kế hoạch, tổ chức phát triển sản xuất, chế biến rong tảo biển phù hợp với điều kiện cụ thể tại địa phương.

Ông Lê Tấn Hổ, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Phú Yên, cho biết dù là tỉnh có điều kiện thuận lợi nhưng Phú Yên chỉ mới có khoảng 3,7 ha trồng rong nho tại thị xã Sông Cầu, sản lượng ước đạt 7,9 tấn/năm.

Tỉnh định hướng phát triển đến năm 2030, trồng rong nho khoảng 380 ha, sản lượng khoảng 1.300 tấn/năm tại một số vùng vịnh Xuân Đài, đầm Cù Mông (thị xã Sông Cầu, Ô Loan (huyện Tuy An) và vùng biển mở nhằm cải thiện môi trường, tạo thu nhập ổn định cho ngư dân.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nêu mục tiêu phát triển ngành rong biển

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết mục tiêu đến năm 2025, sản lượng rong tảo biển cả nước đạt 180.000 tấn; đến năm 2030, đạt 500.000 tấn. Bộ sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp, người trồng rong biển tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng phục vụ sản xuất, kinh doanh.


Mỹ Anh