NÓI THẲNG: Nhiệt kế lòng dân

Hậu phát biểu gây “bão mạng” của Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều về bất cập trong phát triển kinh tế đêm, thu hút du lịch của tỉnh nhà là thư cảm ơn của bà con tiểu thương ở địa phương.

Phát biểu dân dã kiểu nói vo, không chuẩn bị trước tại một hội nghị nội bộ của người đứng đầu chính quyền tỉnh được lan truyền trên mạng, thu hút sự quan tâm và tạo ra hiệu ứng mạnh mẽ trong cộng đồng. Nội dung chia sẻ của ông Thiều không hoàn toàn mới, những bất cập ai cũng nhìn thấy, không riêng gì ở Bạc Liêu và vẫn còn ý kiến trái chiều, nhưng quan trọng là được đông đảo người dân đồng tình. 

Thư cảm ơn Chủ tịch tỉnh của bà con tiểu thương chính là “nhiệt kế lòng dân”.

Bỏ qua cách suy diễn từ ngữ cho rằng vị lãnh đạo địa phương cổ súy cho việc chơi bời, ăn nhậu, xem nhẹ an toàn giao thông, hãy nghe dân nói. “Chúng tôi không muốn chỉ trích bất cứ ngành nào, lĩnh vực nào. Nội dung chính ở đây chỉ muốn gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu và muốn nói lên những khó khăn mà chúng tôi đang vướng phải”. Cách bày tỏ của người dân cũng thẳng thắn khi họ nhận được sự đồng cảm, sẻ chia từ quan chức chính quyền.

Cán bộ ta ai cũng thấm nhuần phương châm “phải gần dân, sâu sát với dân, nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin” nhưng thực tế lại khác. Không ít người tư duy lãnh đạo, quản lý ôm đồm, thiếu phối hợp, thừa choofng chéo, chỉ đạo cứng nhắc, điều hành quan liêu, dự hội nghị chỉ đọc phát biểu chuẩn bị trước, nói lời sáo rỗng, chung chung theo mẫu. Không ít cán bộ dè chừng, ít tận dụng mặt tích cực của mạng xã hội để gần dân, hiểu dân.

  • Nhiều doanh nghiệp, tiểu thương viết tâm thư gửi Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu sau phát ngôn gây “bão mạng”

Các mô hình cà phê doanh nhân, đối thoại với doanh nghiệp, lắng nghe người dân hiến kế ở các địa phương mang lại hiệu quả một lúc rồi đi vào quên lãng hay duy trì hình thức. Không ít trường hợp trở thành các cuộc “vận động chính sách” của các đại gia, trong khi bà con tiểu thương, người dân yếu thế khó tiếp cận với người đứng đầu cơ quan lãnh đạo, quản lý, dẫn đến việc vận hành cơ chế, quản lý, thực thi chính sách, pháp luật của ngành, địa phương bị thiên lệch hay xơ cứng, xa rời thực tế. Theo dõi kết quả thực tế, điểm mạnh, điểm yếu của tỉnh Bạc Liêu những năm qua sẽ thấy lời phát biểu dân dã của người đứng đầu chính quyền tỉnh này là thể hiện tư duy mở và thực tế.

Bạc Liêu là 1 trong 2 tỉnh có diện tích, dân số, lực lượng lao động, dung lượng thị trường thể hiện qua qui mô nền kinh tế thấp nhất vùng ĐBSCL. Ba thế mạnh được tỉnh chú trọng phát triển đã tạo ra những điểm sáng: Kinh tế biển, năng lượng sạch và du lịch. Đó là một quá trình nỗ lực tăng tốc những năm gần đây của một tỉnh nhỏ, xuất phát điểm thấp.

Là tỉnh ven biển thuộc khu vực ĐBSCL, có bờ biển dài 56Km, Bạc Liêu có nhiều lợi thế để phát triển điện gió, điện mặt trời và điện khí. Hàng loạt dự án điện gió, điện mặt trời đã đưa Bạc Liêu lên vị thế một trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước. Chỉ riêng điện gió, tổng công suất tiềm năng của Bạc Liêu lên đến 3.500MW. Bạc Liêu là tỉnh đầu tiên của cả nước có dự án điện gió hòa lưới điện quốc gia năm 2013. Chỉ riêng cánh đồng điện gió Bạc Liêu đã thu hút hàng trăm ngàn lượt khách du lịch mỗi năm.

Du lịch tỉnh Bạc Liêu không chỉ nổi tiếng bởi Nhà công tử Bạc Liêu, Quán âm Phật đài, khu Nhà Mát ven biển, Khu Lưu niệm cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu, cánh đồng điện gió, vườn nhãn cổ, cánh đồng muối đặc trưng, mà còn hấp dẫn nhiều người đam mê khám phá mới.

Từ bị các chủ tour du lịch bỏ qua khi lên lịch trình nghỉ đêm cho du khách ở Cần Thơ rồi xuống Cà Mau, thì nay, nhiều tuyến du lịch đã “dừng chân” tại Bạc Liêu bởi sức hút ban đêm với nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, vui chơi, nghỉ dưỡng và kinh tế ban đêm và các dự án khách sạn, nghỉ dưỡng cao cấp đã và đang được đầu tư. Bạc Liêu đang nỗ lực làm mới du lịch để trở thành điểm đến hấp dẫn du khách.

Việc đảm bảo trật tự giao thông đô thị, xử phạt vi phạm đúng luật là rất cần thiết, nhưng cách thức tổ chức thực hiện như thế nào, chứ không thể là cách “mật phục, canh bắt phạt” như chia sẻ của người đứng đầu chính quyền tỉnh.

  • Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu nói về phát biểu của ông gây “bão mạng” mấy ngày qua

Để thắp sáng kinh tế ban đêm, khai thác các giá trị kinh tế mà vẫn giữ bản sắc văn hóa độc đáo, thì yêu cầu không chỉ được nhìn nhận dưới góc độ kinh doanh thuần túy. Nó cần tư duy, cách tiếp cận hệ thống, từ kinh tế đến văn hóa, du lịch và quan tâm bố trí nguồn lực đầu tư đúng mức.

Hoạt động kinh doanh, thương mại, dịch vụ du lịch cần không gian phát triển thông thoáng và thời gian linh loạt. Trong khi địa phương luôn kêu gọi đầu tư, thu hút du khách, ban hành hàng loạt các đề án phát triển kinh tế ban đêm, chương trình, dự án kích cầu du lịch mà du khách đến nơi, đêm chỉ biết nằm phòng khách sạn, không biết đi đâu, ăn gì, chơi gì do các điểm kinh doanh mua bán bị “giới nghiêm” sau 22-23 giờ, thì tiêu tiền bằng cách nào?

Ông Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu chỉ đạo các sở ngành, địa phương phải cầu thị, tiếp thu tối đa, giải trình trung thực, khách quan, không né tránh. “Có khó khăn gì, quá trình làm có gì vướng, chính quyền còn gây khó khăn cho doanh nghiệp thì phản ảnh để chúng tôi chấn chỉnh, để doanh nghiệp hoạt động trong môi trường an toàn, ổn định và phát triển. Cấp xã, cấp huyện, cấp sở ngành tỉnh có gây khó khăn, vướng mắc, chậm trễ gì thì doanh nghiệp phản ảnh kịp thời.

Đừng ngại khi phản ảnh rồi thì bị “để ý”. Người đứng đầu chính quyền tỉnh yêu cầu các sở ngành, địa phương phải mang tính cầu thị, tiếp thu tối đa, giải trình trung thực, khách quan, không né tránh.

Thực tiễn đang đòi hỏi nhiều hơn nữa các cơ chế, chính sách, thể chế mới đáp ứng yêu cầu. Cần nhiều hơn chính sách mà đặc biệt là thực thi cơ chế, chính sách pháp luật, thái độ phục vụ dân của những người “cung cấp dịch vụ công” hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. 

Tư duy mở, hành động nhanh, kết quả thật của người đứng đầu chính quyền địa phương sẽ được đo bằng “nhiệt kế lòng dân”.


TS. TRẦN HỮU HIỆP (Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL)