Ngày 25-5, phóng viên Báo Người Lao Động có mặt tại chùa Chuông Am (tọa lạc khu phố 10, đường Nguyễn Trung Trực, phường Dương Đông, TP Phú Quốc) để ghi nhận sự việc phá rừng phòng hộ theo phản ánh của người dân.
Nhiều diện tích rừng phòng hộ bị san thành mặt bằng
Tại khu đất rộng gần 4 ha thuộc đất rừng phòng hộ do Vườn Quốc gia (VQG) Phú Quốc quản lý, nhiều diện tích đất rừng bị san phẳng thành những mặt bằng rộng; đồi núi cũng có dấu hiệu bị đào bới nham nhở. Trên phần đất rừng bị phá xuất hiện vài công trình bê tông.
Chỗ rừng bị phá chỉ cách Hạt Kiểm lâm TP Phú Quốc vài trăm mét và nằm sát mặt tiền đường Nguyễn Trung Trực.
Cơ quan chức năng từng lập biên bản đối với ông Lâm Việt Hải do bao chiếm đất rừng phòng hộ và xây dựng công trình trên đất rừng
Liên quan khu đất này, trước đó, vào tháng 11-2021, nhiều người dân đã có đơn tố giác ông Lâm Việt Hải (tức Thượng tọa Thích Phước Duyên; trụ trì chùa Chuông Am) gửi các cơ quan chức năng địa phương và trung ương; đồng thời phản ánh đến Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam về hành vi phá rừng, xây dựng, bao chiếm đất rừng phòng hộ.
Không chỉ phá rừng, ông Hải đào luôn cả núi để lấy mặt bằng
Ngày 10-12-2021, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam có công văn gửi UBND tỉnh Kiên Giang, đề nghị kiểm tra, làm rõ thông tin tố giác đối với ông Lâm Việt Hải.
Ngày 18-1-2022, ông Nguyễn Văn Tiệp – Giám đốc VQG Phú Quốc, có báo cáo (số 26/VQG-PQLBV&PTR) gửi UBND tỉnh Kiên Giang. Báo cáo này cho biết ngày 7-1-2022, VQG Phú Quốc phối hợp với Hạt Kiểm lâm và UBND phường Dương Đông đã kiểm tra thực địa diện tích hiện trạng khu đất mà ông Hải bị tố bao chiếm.
Khu đất rừng bị phá và bao chiếm nằm trong khuôn viên chùa Chuông Am
Cụ thể, thửa đất kiểm tra có tổng diện tích gần 4 ha, do VQG Phú Quốc quản lý, có khu đất hơn 2.000 m2 đang tồn tại các công trình kiến trúc của chùa Chuông Am nằm ngoài ranh rừng, còn lại là đất rừng. Trong đó, ông Hải cho phá hơn 6.000 m2 rừng thành mặt bằng và xây dựng 1 nhà mộ 48 m2.
Toàn bộ diện tích thửa đất gần 4 ha nói trên thuộc tiểu khu 76 rừng phòng hộ Phú Quốc, được UBND tỉnh Kiên Giang cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BL609248 ngày 6-3-2013 cho BQL rừng phòng hộ Phú Quốc (nay là VQG Phú Quốc).
Toàn bộ khu đất của chùa Chuông Am.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động về bước xử lý tiếp theo sau khi đã có báo cáo xác định rừng phòng hộ bị “xẻ thịt” như thế nào, Giám đốc VQG Phú Quốc cho biết sẽ kiểm tra lại thông tin phóng viên cung cấp vì không nhớ rõ vụ này.
“Liên quan việc phá rừng phòng hộ ở Phú Quốc, nhiều vụ quá nên tôi không nhớ nổi vụ nào. Tôi ghi nhận và cho kiểm tra lại, sẽ thông tin sau” – ông Tiệp nói.
Trong báo cáo gửi Tổ Công tác đặc biệt kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về lĩnh vực đất đai, lâm nghiệp và xây dựng trên địa bàn TP Phú Quốc, VQG Phú Quốc cho biết hiện diện tích rừng phòng hộ ở Phú Quốc chỉ còn 6.666 ha, mất gần 5.300 ha.
Đất nhà chùa nhưng đứng tên cá nhân
Theo hồ sơ, diện tích đất chùa Chuông Am quản lý, sử dụng là hơn 15.000 m2 nhưng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên cá nhân ông Lâm Việt Hải (SN 1969, ngụ TP HCM).
Đất của chùa Chuông Am có tổng diện tích hơn 15.000 m2
Để làm rõ sự việc này, phóng viên đã đến chùa Chuông Am. Người giữ chùa cho biết ông Hải đã về TP HCM nhiều tháng chưa ra và không dùng điện thoại nên không liên lạc được.
Người tạm quản lý chùa, thầy Minh Ân, cho biết Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Kiên Giang đang xem xét thủ tục chuyển quyền sử dụng đất của ông Hải về giáo hội quản lý theo quy định. “Tôi chỉ nghe thầy Phước Duyên nói lại vậy thôi, chứ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của chùa hiện vẫn đứng tên Lâm Việt Hải” – thầy Minh Ân nói.