Quân đội Nga công bố kế hoạch mở rộng, tiết lộ về tên lửa Sarmat

Tại hội nghị cuối năm của các quan chức quân sự hàng đầu của Nga ngày 21-12, ông Shoigu nêu rõ: “Cần phải tăng lực lượng vũ trang lên 1,5 triệu quân nhân, trong đó có 695.000 quân nhân chuyên nghiệp theo dạng hợp đồng”. Tuy nhiên, ông Shoigu không nói khi nào quân đội Nga sẽ đạt đến quy mô đó.

Theo ông Shoigu, 521.000 người trong số 695.000 quân nhân chuyên nghiệp theo dạng hợp đồng sẽ nhập ngũ vào cuối năm 2023.

Quân đội Nga hiện có 1,15 triệu binh sĩ, so với 2 triệu của Trung Quốc và 1,4 triệu của Mỹ. Trong khi đó, Ấn Độ có hơn 1,4 triệu binh sĩ.

Tổng thống Nga Vladimir Putin nói chuyện với Tổng tham mưu trưởng lực lượng vũ trang Nga Valery Gerasimov (trái) và Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu (phải) sau cuộc gặp sĩ quan quân đội cấp cao ở Moscow ngày 21-12. Ảnh: AP

Bên cạnh đó, ông Shoigu cũng đề xuất tăng độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự bắt buộc của Nga để có thể gọi nhập ngũ các công dân Nga trong độ tuổi 21 – 30, so với độ tuổi hiện tại là từ 18 – 27.

Những người được huy động sẽ nhận được mức lương hằng tháng ít nhất là 195.000 rúp (khoảng 2.800 USD), cao hơn khoảng 5 lần so với mức lương trung bình của Nga.

Theo hãng tin AP, nhiều chuyên gia quân sự cho rằng Nga có thể huy động lực lượng nhiều hơn, thậm chí một số người còn dự đoán một làn sóng huy động mới có thể bắt đầu vào đầu năm tới.

Bộ trưởng Shoigu cho biết thêm quân đội Nga sẽ thành lập các đơn vị mới ở miền Tây đất nước, bao gồm một quân đoàn được triển khai đến khu vực Tây Bắc Karelia gần Phần Lan, để đối phó với kế hoạch gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển.

Hội nghị cuối năm của các quan chức quân sự hàng đầu của Nga ngày 21-12. Ảnh: AP

Tại hội nghị, Tổng thống Vladimir Putin nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường thông tin liên lạc và cải thiện chiến thuật pháo binh. Đồng thời, ông Putin nói đến sự cần thiết phải mở rộng việc sử dụng máy bay không người lái, hiện đại hóa lực lượng hạt nhân của Nga.

Tổng thống Putin nhận định bộ ba hạt nhân là “biện pháp chính nhằm bảo đảm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Nga, cũng như cân bằng chiến lược và cán cân sức mạnh trên thế giới”.

Tổng thống Putin cam kết các ngành công nghiệp quân sự sẽ tăng cường sản xuất vũ khí. Nhà lãnh đạo Nga cho biết tên lửa Sarmat sẽ sớm được triển khai.

Sarmat dự kiến sẽ thay thế các tên lửa đạn đạo cũ kỹ được phát triển và chế tạo thời Liên Xô. Ông Putin đã ca ngợi khả năng né tránh bất kỳ hệ thống phòng thủ tên lửa nào của Sarmat.

Một vụ phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa RS-28 Sarmat. Ảnh: Global Look Press

Bộ trưởng Shoigu cho biết tại hội nghị ngày 21-12: “Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Sarmat đầu tiên sẽ được đưa vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu vào năm 2023. Các đợt phóng thành công trong giai đoạn thử nghiệm cấp nhà nước cho phép tiến hành biên chế chúng”.

Theo đài RT, Nga dự kiến triển khai 22 quả đạn ICBM các loại, gồm tên lửa RS-28 Sarmat, RS-24 Yars và tổ hợp vũ khí siêu vượt âm Avangard, cho Lực lượng Tên lửa Chiến lược (SMF) trong năm 2023.

Bên cạnh đó, ông Putin cho biết Nga sẽ triển khai thêm vũ khí siêu thanh, lưu ý rằng tàu chiến đầu tiên được trang bị tên lửa siêu thanh Zircon tối tân sẽ được hải quân biên chế vào tháng tới.


Huệ Bình