Sắc màu gốm Chăm

Làng gốm bàu Trúc Ninh Thuận thuộc thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, nằm ven quốc lộ 1, cách TP Phan Rang – Tháp Chàm khoảng 10km về phía Nam. Đây là một trong những làng nghề cổ xưa nhất Việt Nam vẫn duy trì hoạt động sản xuất hoàn toàn bằng phương pháp thủ công. Làng gốm Bàu Trúc có khoảng 400 hộ dân, trong đó 70% người dân trong làng biết làm gốm.

Bà Bùi Thị Minh Hoài – Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương, thăm HTX gốm Chăm Bàu Trúc, Ninh Thuận

Cụ Trượng Thị Gạch (80 tuổi), là một trong những nghệ nhân lớn tuổi nhất của làng gốm Chăm Bàu Trúc. Bắt đầu tập làm quen với nghệ thuật làm gốm từ năm 15 tuổi, đến nay bà Gạch có thâm niên 65 năm làm nghề. Theo bà, cái khó nhất của nghề làm gốm đó là phải luôn mày mò, sáng tạo để tạo ra những sản phẩm tươi mới, không rập khuôn. 

“Do việc làm gốm hoàn toàn bằng tay, không dùng bàn xoay nên mỗi sản phẩm là một ý tưởng, hoàn toàn không giống nhau. Điều này đòi hỏi người làm gốm phải chỉn chu, chịu khó, tỉ mỉ khi tạo hình các sản phẩm. Đây cũng là cái khó khi mỗi sản phẩm làm ra với năng suất không nhiều bằng các làng gốm có sử dụng máy móc, trong khi giá trị sản phẩm chưa mang lại thu nhập đủ tốt” – bà Gạch chia sẻ.

Cụ Trượng Thị Gạch tạo hình sản phẩm gốm

Theo ông Phú Hữu Minh Thuần – Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX gốm Chăm Bàu Trúc, kể từ khi dòng gốm mỹ nghệ được đưa vào sản xuất song song với dòng gốm gia dụng thì đời sống của bà con làng nghề phần nào cải thiện. Tuy nhiên, nhìn chung đời sống của nghệ nhân làm gốm vẫn còn khó khăn, thu nhập thiếu ổn định. Trong đó, cần quan tâm truyền lửa và giữ nghề cho các thế hệ trẻ. 

“Tôi tin sau khi được Unesco công nhận là di sản văn hóa phi vật thể thì làng gốm Bàu Trúc sẽ được Nhà nước quan tâm đầu tư hơn, nhất là về vốn, nguyên liệu cũng như các chính sách khác. Làng gốm Bàu Trúc có nét độc đáo là sản phẩm làm hoàn toàn thủ công, tạo ra từ cảm xúc của nghệ nhân. Các sản phẩm tạo ra mang nét tín ngưỡng, như việc thể hiện hoa văn, các vị thần, đời sống người Chăm… được đưa vào gốm có nét rất là riêng” – ông Thuần cho biết.

Sản phẩm gốm mang nét đặc trưng văn hoá, tinh thần của đồng bào Chăm

Cách Bàu Trúc gần 100 km, làng gốm Đức Bình (xã Phan Hiệp, Bắc Bình, Bình Thuận) cũng đang rộn ràng đón khách thập phương du Xuân. Cũng giống gốm Bàu Trúc, gốm Đức Bình của người Chăm được lưu truyền qua nhiều đời theo mẫu hệ. Làng gốm Đức Bình hiện còn 43 hộ với 46 người đang làm gốm thường xuyên với phương pháp thủ công hoàn toàn. Việc được UNESCO đưa nghệ thuật làm gốm Chăm vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp giúp nhiều hộ trong thôn, trong làng phấn khởi, vững tin giữ lửa nghề.

Các em học sinh tham quan, tập tạo hình gốm tại làng gốm Bàu Trúc, Ninh Thuận

Trước đó, vào tháng 11-2022, di sản “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm” được UNESCO ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Gốm của người Chăm hình thành lâu đời, chủ yếu là đồ gia dụng, đồ dùng cúng lễ và đồ mỹ nghệ gồm chum (jek), nồi (gok), mâm (cambak), bình (bilaok)… 

Thay vì sử dụng bàn xoay, người phụ nữ Chăm di chuyển giật lùi quanh khối nguyên liệu để tạo hình sản phẩm. Gốm không tráng men và được phơi khô, nung ở ngoài trời bằng củi và rơm trong 7 đến 8 giờ ở nhiệt độ khoảng 800 độ C. Quá trình tạo hình sản phẩm, những người thợ khéo léo dùng tay kéo nặn hình vừa đi giật lùi. Do được làm thủ công hoàn toàn nên các sản phẩm gốm được tạo hình riêng biệt, mỗi sản phẩm mang một hình ảnh, ý tưởng khác nhau.

Gốm được các nghệ nhân tại làng gốm Đức Bình (Bắc Bình, Bình Thuận) đưa ra lò nung để hoàn thiện trước khi thành phẩm

Sắc màu gốm Chăm

Nghề làm gốm đóng vai trò quan trọng trong đời sống văn hoá, tinh thần của người Chăm. Việc bảo tồn, phát huy giá trị của nghệ thuật làm gốm vừa mang ý nghĩa kinh tế vừa bảo tồn một trong những nghề thủ công truyền thống quan trọng trong đồng bào Chăm.


Châu Tỉnh