Sao hoài tranh cãi, phụ thu ngày Tết bao nhiêu là vừa?

Chuỗi lẩu này không phụ thu nhưng “điều chỉnh giá”

Thế nhưng, những năm gần đây, sự phát triển của một số chuỗi F&B (chủ yếu là cà phê, trà, nhà hàng, lẩu nướng…) và các chuỗi này đã tiên phong công bố phục vụ xuyên Tết, không phụ thu đã ghi điểm trong lòng người tiêu dùng.

Tại TP HCM, có thể kể đến các chuỗi: Highlands Coffee, Katinat Saigon Kafe, Phúc Long, The Coffee House, trà sữa Gong Cha,… Về “ăn” có thể kể đến thương hiệu “Gọn và Nhẹ”, chuỗi nhà hàng Dookki chuyên Buffet Topokki, phở 24,…

Một thương hiệu cà phê không phụ thu dịp Tết

Còn lại, đa phần các chuỗi F&B có số lượng dưới 10 chi nhánh hoặc các quán đơn lẻ đều áp dụng chính sách phụ thu hoặc tăng giá với mức phổ biến ở mức 5%-30% so với ngày thường với lý do chi phí nhân viên tăng và nguyên vật liệu ngày Tết cũng tăng.

Trong khi các cửa hàng không tăng giá, không phụ thu thường treo bảng khá to để thông báo thì những nơi tăng giá thường “lẳng lặng” và khách hàng chỉ biết được khi hỏi đến hoặc đến khi thanh toán tiền. Vậy nên, giá bán ngày Tết vẫn thường gây bất ngờ với thực khách trong những ngày này.

Ngày Tết, phố xá vắng tanh nhưng quán cà phê vẫn đông đúc

Là người thường phải đi làm ngày Tết và ăn uống bên ngoài trong dịp đặc biệt này nên chị Mai Hạnh (ngụ quận Gò Vấp, TP HCM) có nhiều trải nghiệm. Theo chị Hạnh, ngày Tết tốt nhất nên ghé những quán quen, uy tín để tránh chặt chém.

Tuy vậy, cũng có lúc tiện đường chị ghé 1 số quán nước nhỏ ven đường và rất vui khi thấy họ vẫn giữ giá bán như ngày thường.

“Thường tôi sẽ gửi thêm tiền để cảm ơn họ vì trong khi mọi người đi chơi, nghỉ ngơi thì họ vẫn làm việc. Những ngày này, hàng quán tăng giá ở mức dưới 20% là hợp lý và chấp nhận được” – chị Hạnh nêu quan điểm.

Chuỗi phở 24 bán xuyên Tết với giá không đổi

Dưới góc nhìn của chuyên gia ngành F&B, ông Đỗ Duy Thanh – Giám đốc FnB Director – Horeca Business School – đánh giá việc phụ thu ở Việt Nam thường bị phản ứng vì mối tương quan giữa giá trị khách nhận được và giá cả tăng không tương xứng.

“Tuy nhiên, dịp Tết ngành F&B có lý do chính đáng để phụ thu đó là: rất khó tuyển nhân viên dù lương tăng 3 đến 4 lần ngày thường và Tết là thời điểm cầu cao hơn cung vì đa số quán xá đóng cửa. Nhưng việc phụ thu cần tinh tế trong cách đưa thông điệp với khách hàng và phụ thu không nên quá 20% và chỉ nên phụ thu vào những ngày đặc biệt thật sự như: mùng 1, mùng 2, mùng 3.

Các cửa hàng nên có không gian được trang trí phù hợp mùa vụ Tết và nhân viên cần có thái độ phục vụ tốt thì khách hàng mới dễ dàng chấp nhận việc phụ thu này.

F&B là ngành bán lẻ kinh doanh xuyên suốt 365 ngày trong năm, các thương hiệu không nên vì tính thời điểm mà làm ảnh hưởng đến đại cuộc” – ông Đỗ Duy Thanh nêu quan điểm.

Theo chuyên gia, dịp Tết có thể phụ thu, tăng giá nhưng không vượt mức 20% giá bán trước đó

Cũng theo ông Đỗ Duy Thanh, các chuỗi F&B lớn thường không phụ thu mùa Tết do có cách tiếp cận chuyên nghiệp bằng quy trình vận hành rút gọn các món hằng ngày.

Ngoài ra, những hệ thống này thường đưa ra thực đơn riêng cho mùa Tết cùng các chương trình khuyến khích khách chọn mua những món này để tăng hiệu quả kinh doanh mùa Tết.

Ngoài ra, chuyên gia F&B này cũng nêu thực tế là không phải mô hình F&B nào cũng có lượng khách ngày Tết đông so với ngày thường.

”Tôi vẫn khuyến khích nhiều quán nghỉ Tết để giải tỏa tâm lý chung. Chủ quán sẽ có thời gian nghỉ dưỡng đúng nghĩa lại giữ chân được nhân viên lâu dài hơn” – ông Đỗ Duy Thanh nói.

Không phải mô hình F&B nào tham gia phục vụ mùa Tết, việc nghỉ Tết cũng được chuyên gia khuyến khích

Các chuỗi F&B chỉ mới đóng góp 5% doanh số

Khi người dân “chơi Tết” nhiều hơn “ăn Tết” thì xu hướng sử dụng dịch vụ ăn Tết bên ngoài nhiều hơn. Việc các chuỗi F&B mở bán dịp Tết và không tăng giá đã giúp hạn chế tình trạng hàng quán lợi dụng sự khan hiếm để tăng giá quá mức.

Tuy nhiên, theo báo cáo thị trường kinh doanh ẩm thực (F&B) tại Việt Nam vừa được iPOS.vn công bố đầu năm 2023 thì hiện nay, 95% doanh số ngành F&B đến từ dịch vụ ăn uống đơn lẻ, các chuỗi F&B chuyên nghiệp chỉ mới đóng góp 5% doanh số.

Lý do lớn nhất chính là giá cả đồ ăn thức uống tại các chuỗi dịch vụ ăn uống vẫn khá cao so với thu nhập của người Việt Nam và mới chỉ phổ biến ở các đô thị loại 1.

Đó cũng là lý do vì sao tình trạng “chặt chém” thường xảy ra tại các tỉnh và các điểm du lịch, nơi hàng quán chủ yếu phục vụ khách 1 lần chứ không phải khách quen.

Giá cả đồ ăn thức uống hiện nay do người kinh doanh quyết định và không bị khống chế giá trần hay giá sàn nhưng các điểm bán phải niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết.

Để tránh bị chặt chém, khi đi ăn uống bên ngoài dịp Tết, khách hàng nên chủ động hỏi giá trước để không bị bất ngờ khi tính tiền.


Ngọc Ánh – Ảnh: An Na