Soạn giả Đức Hiền, nhạc sĩ Phạm Hoàng Long trao tặng tác phẩm viết về cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt

Nhạc sĩ Phạm Hoàng Long (Hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam) trao tặng bức tranh, bài hát “Nhớ bác sáu Dân” do ông sáng tác, phổ thơ Trần Thiện Hà, bà Đặng Thị Phương Thảo – Trưởng Ban quản lý Khu tưởng niệm Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt tiếp nhận

Hướng đến những ngày hoạt động kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (23.11.1922 – 23.11.2022), Lễ kỷ niệm cấp quốc gia do Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch Nước, Chính phủ và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức  tại tỉnh Vĩnh Long vào ngày 23-11-2022 với sự tham dự của khoảng 700 đại biểu trung ương và địa phương.

Ngày 14-11, nhạc sĩ Phạm Hoàng Long – chuyên viên Phòng Quản lý nghệ thuật Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM, đã cùng nhà thơ Trần Thiện Hà – Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Công viên cây xanh Việt Nam và ông Phan Thanh Nam – con trai của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã trao tặng bức tranh và bài hát “Nhớ bác sáu Dân” (phổ thơ của nhà thơ Trần Thiện Hà) cho Ban Quản lý Khu tưởng niệm Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt tại tỉnh Vĩnh Long.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt và công nhân (ảnh tư liệu)

Bên cạnh lễ dâng hương và lễ kỷ niệm cấp quốc gia còn có nhiều hoạt động khác để tưởng nhớ cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt: hội thảo khoa học cấp quốc gia; xây dựng phim tài liệu; chương trình nghệ thuật chính luận trực tiếp…; xây dựng phim tài liệu bằng tiếng dân tộc để tuyên truyền cho đồng bào các dân tộc thiểu số, nhất là đồng bào dân tộc vùng Nam bộ; xuất bản sách về cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt; tôn tạo Khu tưởng niệm cố Thủ tướng…

Bức tranh lưu lại hình ảnh cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt được lồng vào các sáng tác của nghệ sĩ trao tặng Khu tưởng niệm

Nhạc sĩ Phạm Hoàng Long xúc động chia sẻ bằng tất cả tấm lòng ngưỡng mộ cố Thủ tướng, anh đã sáng tác bài hát và ca sĩ Ngọc Trâm đã trình bày. Nhân dịp này, soạn giả Đức Hiền đã sáng tác bài ca cổ “Nhớ bác sáu Dân” do nghệ sĩ Hiền Linh thể hiện. Hai sáng tác này đã được hòa âm phối khí, sẽ quảng bá trong đợt kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt tại TP HCM và các tỉnh thành.

Soạn giả Đức Hiền tâm sự: “Tôi là soạn giả cải lương, bác Sáu Dân rất tin yêu lực lượng sáng tác sân khấu, những trại sáng tác, những kịch bản được viết về TP, về quê hương, đất nước đều được bác động viên, khuyến khích. Những năm đã nghỉ hưu, khi sân khấu Vàng của NSND Minh Vương, Lệ Thủy tổ chức biểu diễn vở “Tình mẫu tử” của soạn giả Viễn Châu, bác Sáu Dân đã đến, mua vé vào xem, không nhận vé mời. Bác nói muốn được là một khán giả thưởng thức nghệ thuật. Tình cảm của bác Sáu dành cho anh chị em nghệ sĩ sân khấu, trong đó có lực lượng sáng tác rất lớn” – soạn giả Đức Hiền chia sẻ.

Từ trái sang: Nhạc sĩ Phạm Hoàng Long, Nhà thơ Trần Thiện Hà và ông Phan Thanh Nam – con trai cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt – tại Khu tưởng niệm tại Vĩnh Long

Trong sáng tác của mình, soạn giả Đức Hiền và nhạc sĩ Phạm Hoàng Long đã truyền những vần thơ ghi đậm dấu ấn của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt với các công trình trên cả nước mà ông chủ xướng thực hiện như: Thủy điện Trị An, Đường dây 500 KV Bắc – Nam, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất; các chương trình: phủ xanh đất trống đồi trọc, vệ sinh môi trường, nước sạch nông thôn, Kiên cố hoá trường học, …

Hình ảnh cố Thủ tướng thân thương gần gũi nhân dân, nhất là nông dân và dân nghèo, với văn nghệ sĩ, trí thức, nhà tu hành, bà con Việt kiều và hình ảnh một Thủ tướng Việt Nam đổi mới lần đầu tiên xuất hiện và ghi ấn tượng tốt đẹp với bạn bè các nước và trên các diễn đàn quốc tế. “Tôi mong sẽ có thêm nhiều sáng tác về bác Sáu Dân, như vừa qua tác phẩm “Thành phố buổi bình minh” của Nhà hát Trần Hữu Trang là một điển hình, để đưa những hình ảnh giản dị, thân thương, hết lòng vì nước, vì dân của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đến gần với các bạn trẻ” – nhạc sĩ Phạm Hoàng Long tâm sự.


Thanh Hiệp (ảnh do NSCC)