Suýt tự tử vì từng bị khủng bố, dọa giết sau khi vay qua app

Vụ công an đột kích Công ty Luật TNHH Pháp Việt (TP HCM), bắt hàng loạt đối tượng cưỡng đoạt tài sản bằng phương thức gọi điện thoại đe dọa, khủng bố, dọa giết vợ con… thật sự là một chiến công ngoài tưởng tượng của nhiều người.

Tôi và người thân trong gia đình, họ hàng, bạn bè, đồng nghiệp từng nếm trải cảm giác bất an và bất lực khi trở thành nạn nhân của loại tội phạm này. Càng cố gắng lôi những kẻ núp bóng này ra ánh sáng thì nạn nhân càng bị khủng bố dữ dội hơn. Nói chung là chỉ thiệt thân vì bọn chúng luôn núp trong bóng tối bằng địa chỉ ma, công ty ảo, thuê bao điện thoại 1 chiều.

Công an đột kích vào Công ty Luật TNHH Pháp Việt. Ảnh: TRỌNG TÍN

Còn nhớ cách đây khoảng 3 năm, tất cả người thân trong gia đình tôi và cả họ hàng bất ngờ bị hàng chục số điện thoại lạ quấy rối liên tục gần như 24/7. Nguyên nhân là một thành viên trong họ hàng đã vay nợ trên hàng chục app cho vay trực tuyến với số tiền gốc và lãi cộng dồn sau gần một năm đã lên đến hàng trăm triệu đồng.

Qua tìm hiểu thì tôi mới ngã ngửa, em tôi chỉ vay qua app lần đầu có 1 triệu đồng, thực nhận 750.000 đồng, sau 7 ngày trả 1,5 triệu đồng. Đến hẹn không có tiền trả nợ thì bị phạt ngày 150.000 đồng và bị lăng mạ, dọa giết, khủng bố các kiểu. Vì sợ và không dám cho người nhà biết chuyện nên em tôi tiếp tục vay các app khác, cứ thế số nợ dần nở ra mất kiểm soát.

Hôm cả họ hàng, bạn bè biết chuyện, nó toang tự tử, bảo rằng sống không bằng chết trong nỗi ám ảnh và sợ hãi kéo dài gần một năm trời. Tôi đã nói chuyện với số điện thoại lạ gọi đến và đề nghị thanh toán số tiền gốc, hoặc hẹn gặp trực tiếp giải quyết.

Sau một hồi liên tục buông những lời tục tĩu và dọa cho người kéo đến nhà xử từng thành viên trong gia đình, kẻ đòi nợ thuê đồng ý yêu cầu của tôi với điều kiện tôi phải thế thân bằng cách cung cấp hình ảnh thật, số điện thoại và quyền truy cập danh bạ. Trong một phút bốc đồng, tôi đồng ý.

Và sau đó là những ngày tồi tệ mà tôi chưa từng nghĩ tới. Bọn cho vay đâu có giữ lời, chúng buộc tôi phải thanh toán đúng cả gốc lẫn lãi số nợ của em tôi. Tôi không thực hiện thì mỗi ngày có hàng ngàn cuộc điện thoại gọi quấy rối tất cả các số điện thoại trong danh bạ của tôi.

Tôi buộc phải chặn hết tất cả các số lạ khiến công việc gặp muôn vàn khó khăn. Điều đáng nói là cha mẹ, anh em, vợ con tôi phải sống trong những ngày tháng bị đe dọa, khủng bố liên tục, ai cũng hoang mang, mất ăn mất ngủ.

Quấy rối bằng điện thoại không kết quả, bọn chúng tiếp tục truy tìm hình ảnh người thân, bạn bè, đồng nghiệp của tôi cắt ghép đăng lên mạng xã hội bêu riếu. Thấy tình hình đã mất kiểm soát, tôi làm đơn tố giác nhưng không manh mối nên công an cũng “bó tay” vì tất cả số điện thoại đều không có chủ, các trang facebook đều là ảo. Tôi đành thuê thám tử để truy tìm tận gốc những kẻ khủng bố, vu khống.

Cuối cùng, tôi cũng lần ra được địa chỉ hoạt động của bọn khủng bố tại một tòa nhà thuê ở TP HCM. Tuy nhiên, chúng chỉ đăng ký văn phòng ảo, còn thực tế điểm hoạt động ở nơi khác.

Không tìm ra manh mối nào, tôi chủ động gọi vào số điện thoại mà bọn chúng đăng trên facebook. Có người thanh niên nghe máy và xác nhận nhưng khi tôi hẹn gặp trực tiếp để trả tiền thì anh ta không đồng ý, chửi thề rồi dập máy.

Nhưng cũng từ đó tôi hiểu được những kẻ này chỉ núp trong bóng tối, khủng bố tinh thần con nợ bằng điện thoại và mạng xã hội chứ không bao giờ dám xuất hiện nhận mình là chủ nợ.

Thực chất chúng chỉ đòi nợ thuê chứ không phải người cho vay. Việc của chúng không gì khác là gọi điện, cắt ghép hình ảnh nạn nhân đăng facebook nhằm mục đích gây áp lực để cưỡng đoạt tài sản. Gây áp lực không thành thì xuống nước thương lượng.

Theo tôi, muốn giải quyết được tận gốc vấn nạn này, các cơ quan chức năng cần xử lý trách nhiệm của các nhà mạng cung cấp thuê bao trôi nổi, đặc biệt là các thuê bao chỉ có chiều gọi đi. Bởi lẽ, việc cho lưu hành những loại thuê bao điện thoại như thế có khác nào các nhà mạng đang tiếp tay cho tội phạm.


NGUYỄN MINH LUÂN (Bạc Liêu)