Tắm nước mùi già chiều cuối năm

Mẹ cười: “Nhà có tận 4 đứa con, 8 đứa cháu, rồi vợ chồng mình nữa, chừng này mùi già chắc mới đủ cho cả nhà tắm ngày cuối năm”. Bố lặng nhìn mẹ, thương mẹ cả đời luôn yêu thương gia đình hơn chính bản thân mình!

Tắm nước mùi già chiều cuối năm đã trở thành nét đẹp văn hóa của người Việt Nam từ xưa, đặc biệt là người miền Bắc. Việc tắm nước mùi được quan niệm là cách xua tan những xui xẻo, buồn phiền, khổ nhọc, vướng bận… trong năm cũ để chuẩn bị sẵn sàng đón một năm mới với những hy vọng tốt đẹp.

Cây rau mùi còn có nhiều tên gọi khác như mùi ta, ngò, ngò rí, hồ tuy… Đây là loài cây thân thảo thuộc họ hoa tán. Cây rau mùi chứa nhiều loại sinh tố và khoáng chất, được sử dụng như một loại rau gia vị và còn dùng để tắm. Cây mùi dùng nấu nước tắm phải là loại mùi già, đã trổ hoa kết trái. Thân cây mùi có màu nâu tía, khi nấu lên sẽ cho mùi hương nưng nức, cay cay. Chỉ cần bắt gặp những bó mùi nằm gọn lỏn trong thúng con, rổ con theo các bà, các chị ra chợ là biết hương vị Tết Nguyên đán đã cận kề.

Bốn chị em tôi, mỗi đứa lại đằm sâu nỗi nhớ về hương mùi già một khác. Chị Cả nhớ hương mùi già chiều cuối năm thời bà nội còn sống, được bà chuẩn bị nước tắm; vừa tắm cho từng đứa cháu, bà vừa rủ rỉ rù rì giải thích vạn câu hỏi “vì sao” của bầy cháu về thứ lá cây này và tục tắm thanh tẩy? Cứ thế, những tháng năm được ở bên bà, hương mùi già dấu yêu đã ngọt ngào, đậm sâu trong tâm trí chúng tôi.

Chị Hai nhớ kỷ niệm một lần bị sởi, nhờ được tắm bằng nước rau mùi đã nhanh khỏi bệnh. Chị Ba lại thích cắm những cành mùi già trong chiếc lọ cổ tròn, đặt trên bàn học. Chị bảo những tối mùa đông ngồi học bài, ngửi hương mùi thoang thoảng, lòng cảm thấy thật thoải mái và ấm áp!

Tôi nhớ hương mùi già những chiều 30 Tết, mùi hương bình dị mà rộn ràng tựa như mùa xuân đã ngập tràn trong cõi lòng. Hương nước rau mùi chẳng những thơm nức những ký ức tuổi thơ mà còn đánh thức lòng người vươn tới những điều tốt đẹp!


Xanh Nguyên