Tập trung chăm lo cho giáo viên

* Phóng viên: Nhà giáo là một nghề cao quý nhưng thời gian qua, rất nhiều nhà giáo đã bỏ nghề. Bộ trưởng chia sẻ gì về thực trạng buồn này?


Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Chỉ 10 tháng năm 2022, cả nước có hơn 16.000 giáo viên (GV) bỏ việc. Bình quân cứ 100 nhà giáo thì 1 người ra khỏi ngành. Phần lớn thầy cô bỏ việc là ở khối mầm non, tiểu học. Nguyên nhân chủ yếu là lương quá thấp, trong khi công việc quá nhiều. GV phải vừa dạy vừa dỗ vừa chăm sóc học sinh. Một ngày làm việc của những GV mầm non thường rất dài nhưng đồng lương họ nhận được vẫn không lo nổi cuộc sống.

Hiện mức thu nhập của GV mầm non và tiểu học ra trường sau 5 năm công tác trung bình 4,5 – 4,7 triệu đồng/tháng, trong đó có lương và phụ cấp ưu đãi 35%. Đi dạy được 5 năm, GV thêm phụ cấp thâm niên 5%. Còn với những người mới được tuyển dụng, thu nhập chỉ khoảng 3 triệu đồng/tháng trong 2-3 năm đầu. GV mầm non ở các vùng đặc biệt khó khăn, được trợ cấp ưu đãi 70%, cộng thêm phụ cấp thu hút của địa phương hoặc làm việc tại các trường chuyên biệt, sau 5 năm công tác, mức lương có thể đạt 6 triệu đồng nhưng số lượng không nhiều.

Thực trạng này đòi hỏi phải cấp bách tăng lương và phụ cấp ưu đãi cho GV, nhất là khối mầm non, tiểu học. Đặc biệt, tôi mong các địa phương có chính sách hỗ trợ nhiều hơn cho các cô giáo dạy mầm non tư thục theo mô hình nhóm trẻ. Hiện nhóm GV này chưa được quan tâm.

Nâng cao thu nhập cho giáo viên là vấn đề cấp bách. Trong ảnh: Cô trò Trường THPT Lương Thế Vinh (quận 1, TP HCM) trong một tiết học Ảnh: TẤN THẠNH

* Giải pháp nào để vấn đề nâng cao thu nhập cho GV được giải quyết sớm và căn cơ nhất?

– Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đang rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, thể chế, chính sách liên quan đến nhà giáo và có đề xuất lên Chính phủ, Quốc hội. Trong đó, đặc biệt coi trọng vấn đề tăng lương, nâng phụ cấp ưu đãi, nhất là cho GV mầm non, tiểu học.

Ngoài ra, để giảm áp lực cho nghề giáo, ngành giáo dục sẽ tiếp tục cải thiện môi trường làm việc, tăng cường quản trị trường học, điều lệ nhà trường và nâng cao văn hóa học đường. Môi trường làm việc thuận lợi cũng là yếu tố quan trọng để thầy cô giáo phát huy tốt năng lực, sở trường và làm tròn trách nhiệm nhà giáo.

Đặc biệt, về phía xã hội, phụ huynh, học sinh, tôi mong cũng có sự chia sẻ, đồng hành với GV.

Với đồng lương thấp, chênh lệch mức sống nhiều, các thầy cô không thể yên bình trong cái nghèo. Đề nghị Đảng, Nhà nước ưu tiên xem xét việc tăng lương, phụ cấp ưu đãi cho GV, để những người thầy toàn tâm toàn ý, yên tâm giảng dạy kiến thức cho học sinh chứ không còn phải lo lắng, co kéo cuộc sống với khoản lương eo hẹp mỗi tháng.

* Bộ trưởng từng nói “nuôi dưỡng nhân tài và thu hút các tài năng cống hiến cho ngành giáo dục luôn là mong mỏi của cả xã hội”. Bộ GD-ĐT đã thực hiện việc này ra sao?

– Nuôi dưỡng nhân tài ngành giáo dục hoặc thu hút các tài năng cống hiến cho ngành giáo dục là một vấn đề quan trọng, lớn, cần có tư duy chiến lược bài bản và lâu dài. Tuy nhiên hiện tại, một trong những vấn đề cần tập trung giải quyết của ngành là thiếu GV.

Để có được nguồn tuyển GV tốt, chúng tôi cũng đã tính đến nhiều giải pháp như nâng cao năng lực các trường đại học sư phạm, nâng cao chỉ tiêu các ngành đào tạo các môn học mới để thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Trong quá trình triển khai Nghị định 116/2020 về quy định chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm vẫn còn nhiều vướng mắc. Dù Bộ GD-ĐT đã có nhiều hướng dẫn thực hiện nghị định này liên quan đến vấn đề đặt hàng đào tạo GV theo nhu cầu xã hội nhưng đến nay nhiều địa phương chưa thực hiện. Có thực trạng là nhiều địa phương không dám đặt hàng đào tạo sinh viên sư phạm với nhiều lý do khác nhau. Bộ GD-ĐT đang rà soát các nội dung liên quan Nghị định 116/2020 để các địa phương có thể triển khai đặt hàng đào tạo GV.

* Nhân kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam, ông có nhắn gửi gì đến các thầy cô giáo?

– Sự thành bại của công cuộc đổi mới giáo dục mà Đảng, Quốc hội, Chính phủ đang triển khai có can hệ tới việc thành bại của công cuộc đổi mới quốc gia, mà yếu tố quyết định sự thành công phụ thuộc rất lớn vào vai trò của nhà giáo. Ngành GD-ĐT đang đứng trước những yêu cầu, nhiệm vụ lớn, trọng trách nặng nề và phải thực hiện trong bối cảnh toàn xã hội trong giai đoạn chuyển đổi số. Bên cạnh những cơ hội của đổi mới để phát triển, nghề giáo cũng đang đứng trước nhiều khó khăn và thách thức. Trong bối cảnh đó, nhà giáo cần bám chắc vào chỗ dựa quan trọng của nghề. Đó là sứ mệnh kiến tạo các giá trị cao đẹp cho con người. Cần lấy đó làm chỗ dựa, làm sự động viên tinh thần để phấn đấu, quyết tâm đổi mới, hòa nhịp cùng công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện của ngành giáo dục.

Nhân kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam, tôi gửi tới các thầy giáo, cô giáo lời chúc mừng tốt đẹp. Nghề nghiệp của chúng ta dù đầy thách thức, gian lao nhưng chúng ta có chỗ dựa, có niềm tin về những điều tốt đẹp đang làm, nên khó khăn nào cũng sẽ vượt qua. 


Yến Anh – Xuân Hoa thực hiện