Sau nửa năm khi nghỉ thai sản 6 tháng tại quê nhà Thanh Hóa, chị Lê Mỹ Trinh, công nhân (CN) Công ty TNHH F.T (TP Thủ Đức, TP HCM), ôm con nhỏ trở lại TP HCM làm việc. Tuy nhiên, làm việc chưa được nửa tháng thì chị nhận được thông báo nghỉ việc vì hết hạn hợp đồng lao động (HĐLĐ). “Biết trước thế này thì tôi ở quê luôn. Giờ về quê thì tốn kém, còn ở lại thành phố thì khó xin việc vì các doanh nghiệp (DN) ưu tiên tuyển CN trẻ” – chị Trinh chua chát nói.
Đủ “chiêu” cắt giảm lao động
Chị Trinh cho hay chị đã ký 2 lần HĐLĐ với thời hạn 1 năm và 3 năm. Đến tháng 6-2023, HĐLĐ thời hạn 3 năm của chị hết hạn và công ty không ký tiếp HĐLĐ mới. Không riêng chị Trinh, do thiếu đơn hàng, từ cuối năm 2022 đến nay, công ty đã cắt giảm nhiều lao động với cách thức tương tự. Đây cũng là cách giảm lao động “tự nhiên” mà nhiều DN đang áp dụng.
Chủ tịch Công đoàn một DN trong KCX Linh Trung cảnh báo đang có tình trạng DN hạ thấp độ tuổi tuyển dụng và chỉ ký HĐLĐ xác định thời hạn với người lao động (NLĐ). Sau khi hết 2 lần ký HĐLĐ xác định thời hạn được pháp luật cho phép, DN sẽ cho NLĐ nghỉ việc. Nếu NLĐ muốn tiếp tục làm thì ký lại HĐLĐ như một lao động mới.
Với cách làm này, DN dễ dàng cắt giảm lao động khi cần mà không phải bồi thường, đồng thời không phải trả lương cao cho lao động có thâm niên. Bị đẩy ra đường ở độ tuổi khó tìm việc mới, ngoài khoản trợ cấp thất nghiệp, NLĐ không được hưởng thêm khoản hỗ trợ nào từ DN.
Công nhân mất việc tại Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (quận Bình Tân, TP HCM) nghe hướng dẫn làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp. Ảnh: HUỲNH NHƯ
So với cách làm trên, giải pháp được xem là “tối ưu” hơn khi cắt giảm lao động là DN sẽ chi một khoản bồi thường để “khuyến khích” NLĐ nghỉ việc. Ông Nguyễn Ngọc Sơn – trưởng phòng nhân sự một DN tại quận Tân Phú, TP HCM – cho hay hiện tại đơn hàng của DN chỉ bảo đảm việc làm cho NLĐ đến hết tháng 9-2023.
Do vậy, công ty dự kiến cắt giảm một số lao động và hỗ trợ mỗi người 3,5 tháng lương. Số lao động bị cắt giảm này đồng ý với phương án do công ty đưa ra, song sau đó có phát sinh thêm một số trường hợp khác. Đó là số lao động làm việc lâu năm có ý định nghỉ việc hưởng BHXH một lần do lo ngại chính sách BHXH thay đổi. Theo tính toán của họ, nghỉ vào thời điểm này sẽ có lợi bởi ngoài khoản hỗ trợ của công ty còn được hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN) và BHXH một lần.
Nghịch lý đã xảy ra
Theo Tổng cục Thống kê, nếu như quý IV/2022, cả nước có gần 118.000 lao động bị mất việc thì sang quý I/2023 có gần 149.000 người mất việc. Số lao động mất việc chủ yếu thuộc các ngành dệt may, da giày, sản xuất linh kiện và sản phẩm điện tử (55,2%). Tuy nhiên, đang xảy ra nghịch lý lao động thiếu việc nhưng DN vẫn thiếu người.
Bà Đỗ Thị Ngọc Điệp, Trưởng Phòng Nhân sự Công ty TNHH E.land Việt Nam (chuyên sản xuất quần áo xuất khẩu; quận 1, TP HCM), cho hay công ty hiện nhận được rất nhiều đơn hàng nên dự định mở thêm 2 xưởng sản xuất mới và cần tuyển 200 CN với mức lương 7-15 triệu đồng/tháng.
Thế nhưng, dù đã xoay xở đủ cách nhưng công ty vẫn tuyển không đủ người. “Tại các sàn giao dịch việc làm, đa số lao động mất việc tham gia chỉ để đăng ký hưởng TCTN chứ không quan tâm tìm việc làm mới. Sau khi hưởng TCTN, NLĐ sẽ làm thủ tục hưởng trợ cấp BHXH một lần và đây là xu hướng chung hiện nay” – bà Điệp cho biết.
Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP HCM, cho biết vào tháng 2-2023, khi Công ty TNHH PouYuen (quận Bình Tân, TP HCM) cắt giảm 2.358 lao động, Trung tâm Dịch vụ việc làm TP HCM đã thực hiện tư vấn, giới thiệu việc làm cho khoảng 2.247 lao động. Song, trong số đó chỉ 46 người có nhu cầu tìm kiếm việc làm.
Mới đây, khi khảo sát nguyện vọng của 2.429/4.439 NLĐ mà công ty này sẽ chấm dứt HĐLĐ vào cuối tháng 6-2023 thì số người có nhu cầu tìm việc làm chỉ có 396 người. “Số lao động có nhu cầu tìm việc làm chiếm tỉ lệ thấp do đa phần NLĐ có nhu cầu hưởng TCTN, BHXH một lần nên chỉ tìm kiếm các công việc thời vụ, không ký kết HĐLĐ, không tham gia BHXH” – ông Lâm cho hay.
Gia tăng tỉ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng
Lao động không sử dụng hết tiềm năng bao gồm người thất nghiệp, thiếu việc làm và một nhóm ngoài lực lượng lao động sẵn sàng làm việc nhưng không tìm việc hoặc có tìm việc nhưng chưa sẵn sàng làm việc ngay. Theo Tổng cục Thống kê, tỉ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng của Việt Nam thường dao động ở mức 4% nhưng đã tăng rất nhanh từ thời điểm quý I/2020 và đạt mức cao kỷ lục là 10,4% vào quý III/2021. Khi các hoạt động kinh tế – xã hội được khôi phục, tỉ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng giảm nhanh từ 10,4% còn 3,9% vào quý IV/2022. Tuy nhiên, hiện nay tỉ lệ này đang có dấu hiệu tăng trở lại vào quý I/2023 (đạt 4,5%). Đa số lao động không sử dụng hết tiềm năng là những người từ 15-34 tuổi (51,1%), cao hơn rất nhiều so với tỉ trọng lao động nhóm tuổi này chiếm trong lực lượng lao động (33,7%). Điều này cho thấy Việt Nam vẫn còn một bộ phận không nhỏ lực lượng lao động tiềm năng chưa được khai thác, đặc biệt là nhóm lao động trẻ.