Tổng lãnh sự Ý tại TP HCM Enrico PADULA (thứ hai tứ trái sang) tham dự lễ khai mạc
Trong khuôn khổ chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 năm quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Italy, triển lãm “Nước Ý: Từ Trực họa đến Xưởng họa” do Patron Art Space và Tổng Lãnh sự quán Italia tại TP HCM tổ chức khai mạc vào chiều 30-6 tại LAGarden Restaurant (TP HCM).
Tại buổi khai mạc triển lãm, ban tổ chức hi vọng sẽ lan tỏa được vẻ đẹp tráng lệ của Ý, vốn luôn là nguồn cảm hứng bất tận nuôi dưỡng sức sáng tạo của biết bao tâm hồn duy mỹ suốt hàng thế kỷ. Xuyên suốt 50 năm kết nối đầy ý nghĩa, Việt Nam và Italia đã cùng kiến tạo nên một mối quan hệ ngoại giao – kinh tế bền chặt cũng như nỗ lực không ngừng trong công cuộc thúc đẩy sự giao lưu, thấu hiểu lẫn nhau giữa hai quốc gia.
Triển lãm “Nước Ý: Từ Trực họa đến Xưởng họa” có thể được xem như là một bản giao hưởng hòa quyện giữa di sản thiên nhiên và văn hóa độc đáo của Ý thông qua góc nhìn và sự thể hiện của hai họa sĩ đương đại Việt Nam là Bùi Duy Khánh và Dương Thụy.
Bằng cách sử dụng màu sắc, ánh sáng và kỹ thuật trực họa tinh tế cùng những suy tưởng và cảm xúc cá nhân, hai nghệ sĩ đã tái hiện và chuyển hóa khéo léo những trải nghiệm tuyệt vời về nước Ý thành các tác phẩm nghệ thuật Việt Nam đầy sức sống và ý nghĩa. Triển lãm không chỉ mang đến một diễn giải nghệ thuật đầy xúc cảm về các khía cạnh văn hóa độc đáo mà còn biểu trưng cho tình hữu nghị lâu dài và tầm quan trọng của quan hệ ngoại giao hai nước.
Những bức vẽ được trưng bày tại triển lãm
Đối với họa sĩ Bùi Duy Khánh, những gam màu trong tranh sơn dầu và bích họa nơi đây, sự tương tác của ánh sáng và bóng tối trong những kiệt tác kiến trúc, cùng với nhiều cảnh quan lộng lẫy của đất nước này đều được chuyển hóa một cách tinh tế vào các tác phẩm màu nước đậm chất thơ của anh, tôn vinh Ý, một vẻ đẹp phi thời gian.
Phương pháp tiếp cận màu nước độc đáo của Khánh là lời khẳng định về tính linh hoạt trong nghệ thuật của anh, tạo nên nền tảng toàn cầu giúp anh thể hiện sự phong phú trong di sản văn hóa và lý tưởng thẩm mỹ Việt Nam.
Trong khi đó, sự biến đổi trong nghệ thuật của Dương Thụy là minh chứng cho tầm ảnh hưởng sâu sắc của thiên nhiên Ý đối với hành trình nghệ thuật của anh. Khác với sự biểu đạt nghệ thuật linh hoạt của Khánh, sự tương tác của Thụy với nước Ý đã mang đến sự thay đổi lớn trong cách tiếp cận thiên nhiên, được thể hiện rõ nét nhất trong series tranh “Đại Thụ” sau này. Ngay cả nhiều năm sau, Thụy vẫn nhớ rõ những tông màu đặc trưng của bầu trời, dáng hình của cây cối, và sự phản chiếu trong suốt của nước.
Chia sẻ với Báo Người Lao Động về những bức tranh được trưng bày tại triển lãm, ông Enrico PADULA, Tổng lãnh sự Italy tại TP HCM cho biết: “Tôi không rõ chính xác giá trị của mỗi bức tranh bao nhiêu nhưng tôi tin những bức tranh này “đáng tiền” cho cả người xem lẫn người sở hữu nó sau này. Mỗi bức tranh vẽ nước Ý đều có giá trị kết nối khủng khiếp bởi bản thân tôi khi nhìn vào những bức tranh này đều mang đến những cảm xúc khổng lồ, đặc biệt là nó giúp tôi liên tưởng ngay đến đất nước, quê hương của mình”.
Một số bức tranh tại triển lãm
Ông cho biết thêm, nước Ý không lạ với ông và nhiều người khác, nhưng những bức tranh của hai họa sĩ Bùi Duy Khánh và Dương Thụy đã mang đến một cái nhìn khác, mới mẻ và nhiều khác biệt.