Thủ tướng Chính phủ cảm ơn đóng góp của doanh nghiệp, lắng nghe “hiến kế”

Ngày 11-8, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị toàn quốc giữa Thủ tướng Chính phủ với các doanh nghiệp có chủ đề “Chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững”.

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc lại, vào khoảng thời gian này năm 2021, Chính phủ đã tổ chức hội nghị gặp gỡ với đại diện doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp; nhiều thảo luận sôi nổi, thẳng thắn, nhiều ý tưởng, giải pháp đã được bàn thảo, hiến kế cho Chính phủ nhằm tìm ra giải pháp ứng phó với dịch bệnh, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh. Thời điểm đó, dịch Covid-19 còn diễn biến rất phức tạp.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị – Ảnh: Nhật Bắc

Thủ tướng nhấn mạnh đến nay, nhiệm vụ lớn nhất là kiểm soát dịch bệnh chúng ta đã làm được. Lãnh đạo Chính phủ điểm lại một số kết quả tích cực về phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội trong 7 tháng qua.

Thủ tướng bày tỏ chia sẻ với các khó khăn, thách thức mà các doanh nghiệp gặp phải khi vừa chống dịch, vừa thực hiện trách nhiệm xã hội, vừa duy trì hoạt động kinh doanh trong thời gian qua.

Người đứng đầu Chính phủ cũng cảm ơn sự đóng góp tích cực, quan trọng của các doanh nghiệp với công tác phòng, chống dịch Covid-19 về vắc-xin, thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế…, thể hiện trách nhiệm xã hội rất cao trong những lúc đất nước gặp khó khăn, thách thức.

Thủ tướng chúc mừng các doanh nghiệp đã phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, vượt khó vươn lên, cơ bản các doanh nghiệp phát triển được trong bối cảnh vừa qua, đạt nhiều kết quả rất đáng trân trọng.

Sau khi phân tích bối cảnh thế giới, Thủ tướng cho biết hội nghị hôm nay được tổ chức nhằm đánh giá thực chất, khách quan các tác động của tình hình kinh tế thế giới đến Việt Nam, thực trạng, khó khăn, thách thức cộng đồng doanh nghiệp đang đối mặt, kết quả đạt được và chưa đạt được trong triển khai chính sách, giải pháp của Chính phủ thời gian qua.

Trên cơ sở nhận diện thời cơ, thách thức, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ mong muốn lắng nghe các chia sẻ, đề xuất, sáng kiến của cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội để cùng tháo gỡ khó khăn, khắc phục những điểm nghẽn trong triển khai chính sách.

Đồng thời, hiến kế bổ sung các giải pháp trên tinh thần “lợi ích thì hài hoà, rủi ro thì chia sẻ”; góp phần phát triển kinh tế – xã hội nói chung, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, phát triển doanh nghiệp đúng hướng, lành mạnh, bền vững.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 7 tháng đầu năm 2022, số doanh nghiệp gia nhập và quay trở lại thị trường và nguồn vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế tăng mạnh. Số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường với trên 130 ngàn doanh nghiệp, tăng 26,8% so với cùng kỳ năm 2021, gấp 1,4 lần số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường; Về quy mô, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 7 tháng đầu năm 2022 đạt trên 3,3 triệu tỉ đồng, tăng trên 37 % so với cùng kỳ năm 2021.

Thủ tướng mong muốn lắng nghe các doanh nghiệp hiến kế – Ảnh: Nhật Bắc

Có 15/17 ngành có số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng so với cùng kỳ năm 2021, trong đó, đáng chú ý là những tín hiệu tích cực từ sự phục hồi của các ngành liên quan đến lĩnh vực du lịch: Dịch vụ lưu trú và ăn uống (tăng 38,6%); Dịch vụ việc làm; du lịch (tăng 33,3%); Hoạt động dịch vụ khác (tăng 31,7%).

Cả 6 khu vực trên cả nước đều có số doanh nghiệp đăng ký thành lập tăng so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, 2 khu vực có sự gia tăng mạnh nhất là Đông Nam Bộ (35.683 doanh nghiệp, tăng 17,7%) và Đồng bằng Sông Hồng (26.925 doanh nghiệp, tăng 14,3%).

Doanh nghiệp thành lập mới tập trung chủ yếu có quy mô nhỏ (từ 0 – 10 tỉ đồng) với 80.107 doanh nghiệp (chiếm 89,6%, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm ngoái). Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong 7 tháng là 620.975 lao động, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2021.

Tính đến tháng 7-2022, cả nước có 871.275 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có 11.894 doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản (chiếm 1,4%); 272.015 doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng (chiếm 31,2%) và 587.366 doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ (chiếm 67,4%).

Số vốn đăng ký của các doanh nghiệp đang hoạt động trong khu vực dịch vụ là 13,6 triệu tỉ đồng, chiếm 59,5% tổng số vốn của các doanh nghiệp đang hoạt động; khu vực công nghiệp và xây dựng là 8,8 triệu tỉ đồng, chiếm 38,3% và khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản là 510 ngàn tỉ đồng, chiếm 2,2%.


Minh Chiến