Thủ tướng: Tuyệt đối không chủ quan, mất cảnh giác trước bão lũ, thiên tai

Ngày 1-10, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9-2022.

Phiên họp tập trung thảo luận về tình hình kinh tế – xã hội tháng 9 và 9 tháng năm 2022; tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ; tình hình thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội; tình hình giải ngân vốn đầu tư công…

Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết tình hình hoàn lưu bão số 4 gây mưa lớn ngập lụt cục bộ, sạt lở đất tại một số địa phương khu vực miền Trung và Tây Nguyên trong những ngày qua. Hậu quả, mưa lũ làm 7 người chết tại Nghệ An, nhiều tài sản của người dân và Nhà nước bị thiệt hại.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ. Ảnh: Nhật Bắc

Thủ tướng Chính phủ gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc đến các gia đình có người bị nạn, chia sẻ với những khó khăn, mất mát, vất vả của cấp ủy, chính quyền địa phương và các hộ dân bị ảnh hưởng do đợt bão, lũ vừa qua.

Trước tình hình đó, lãnh đạo Chính phủ đề nghị các bộ, ngành, địa phương, cơ quan tổ chức thực hiện thật nghiêm túc Công điện số 875/CĐ-TTg, tập trung khắc phục hậu quả bão số 4 và chủ động ứng phó thiên tai trong thời gian tới.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các bộ ngành, địa phương tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trước bão lũ, thiên tai. Các cơ quan phải bám sát tình hình, vận động, hướng dẫn người dân, có những việc phải cương quyết thì mới tránh được các sự cố, hạn chế tối đa thiệt hại, nhất là thiệt hại về người.

Về phiên họp hôm nay 1-10, Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung đánh giá tình hình tháng 9 và 9 tháng vừa qua, kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, các bài học kinh nghiệm.

Đồng thời, dự báo tình hình thời gian tới trong tháng 10, những tháng cuối năm, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp mới để ứng phó với những vấn đề nổi lên, ngoài các nhiệm vụ, giải pháp thường xuyên đã được đề ra.

Trước đó, theo báo cáo tình hình kinh tế – xã hội quý III và 9 tháng năm 2022 của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III ước tính tăng khá cao ở mức 13,67% so với cùng kỳ năm trước, do quý III/2021 là thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động sản xuất kinh doanh. Trước đó, vào năm 2021, GDP quý III tăng trưởng âm 6,17%.

GDP 9 tháng năm 2022 tăng 8,83% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong giai đoạn 2011-2022. “Các hoạt động sản xuất kinh doanh dần lấy lại đà tăng trưởng, chính sách phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội của Chính phủ đã phát huy hiệu quả”- Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết. 

Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,99%, đóng góp 4,04%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,44%, đóng góp 41,79%; khu vực dịch vụ tăng 10,57%, đóng góp 54,17%.

Đáng chú ý, trong 9 tháng qua, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội ước đạt trên 2,1 triệu tỉ đồng, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng này phản ánh đà phục hồi mạnh mẽ của hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam đạt 15,4 tỉ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ, đạt mức cao nhất 9 tháng của các năm từ 2018 đến nay.

Tính chung 9 tháng, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 558,52 tỉ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 17,3%; nhập khẩu tăng 13%. Cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 6,52 tỉ USD.

Cơ quan thống kê cho biết thêm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9-2022 tăng 0,4% so với tháng trước, chủ yếu do giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào và một số địa phương tăng học phí năm học mới 2022 – 2023. CPI bình quân quý III/2022 tăng 3,32% so với quý III cùng kỳ. Bình quân 9 tháng năm nay, CPI tăng 2,73% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 1,88%.


Minh Chiến