Tiếc thương nhà ngoại giao xuất sắc Vũ Khoan

Với ngành ngoại giao, ông Vũ Khoan là một nhà lãnh đạo có ảnh hưởng sâu sắc đến nhiều thế hệ cán bộ.

Cố Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Khoan (1937-2023).

Góp công đưa đất nước mở cửa

Ngày 21-6, nhiều thế hệ cán bộ ngoại giao tiếc thương khi nghe tin ông Vũ Khoan, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, đã từ trần vào 7 giờ 5 phút cùng ngày tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 ở TP Hà Nội.

Nguyên Giám đốc Học viện Ngoại giao Vũ Dương Huân nhận định nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan là nhà ngoại giao chuyên nghiệp trải qua nhiều chức vụ khác nhau; từng học tập và làm việc ở Liên Xô; phiên dịch cho Bác Hồ, Tổng Bí thư Lê Duẩn, Thủ tướng Phạm Văn Đồng; là cán bộ kỳ cựu của ngành ngoại giao Việt Nam. Nguyên Phó Thủ tướng là người có tư duy đổi mới, sáng tạo và hội nhập. Qua 2 đời Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Phan Văn Khải, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan cùng Chính phủ đã có công giúp Việt Nam chấm dứt thế bao vây cấm vận, mở ra chính sách đối ngoại mới.

Bộ trưởng Thương mại Vũ Khoan và Đại diện thương mại Mỹ Charlene Barshefsky ký Hiệp định Thương mại Việt Nam-Mỹ, tại thủ đô Washington D.C ngày 13-7-2000. Nguồn: TTXVN

“Trong thời gian ông làm Thứ trưởng Bộ Ngoại giao đã có đóng góp quan trọng đưa đất nước mở cửa và hội nhập với quốc tế. Đến thời kỳ Thủ tướng Võ Văn Kiệt, khi đó ông Vũ Khoan giữ cương vị Phó Thủ tướng đã có hoạch định chính sách với lộ trình mở cửa rất hay. Lộ trình đó bắt đầu từ Đông Nam Á rồi đến Mỹ, sau đó mở rộng sang châu Âu…” – ông Vũ Dương Huân cho biết.

Trên cương vị Bộ trưởng Bộ Thương mại từ năm 2000, ông Vũ Khoan đã góp phần ký kết Hiệp định Thương mại Việt – Mỹ (năm 2001) và thúc đẩy Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Ông Vũ Dương Huân chia sẻ ấn tượng về nguyên Phó Thủ tướng là người có tư duy, trí tuệ, luôn luôn đọc sách và học hỏi, có nhiều trăn trở làm sao thúc đẩy ngoại giao Việt Nam phát triển mạnh mẽ.

Nguyên Phó Thủ tướng là tấm gương lớn cho cán bộ Bộ Ngoại giao qua các thời kỳ, đặc biệt với những nhà ngoại giao trẻ bởi những tư tưởng đổi mới, năng động, sáng tạo, luôn luôn học tập. Nguyên Phó Thủ tướng cũng là nhà nghiên cứu với nhiều công trình nghiên cứu ngoại giao. “Ông làm việc đến tận lúc mất, trước khi mất, ông vẫn tham gia các hội nghị, hội thảo khoa học nghiên cứu của Bộ Ngoại giao. Đây là con người học tập suốt đời” – ông Huân khẳng định.

Theo ông Huân, lúc ông Vũ Khoan giữ chức Bí thư Trung ương Đảng phụ trách đối ngoại, nhiều Ủy viên Bộ Chính trị đều có mong muốn tham khảo, tham vấn ý kiến của ông trước khi ra những quyết định quan trọng về đối ngoại.

Con người thanh bạch, giản dị

Đại sứ Đoàn Xuân Hưng, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, bày tỏ nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan là một nhà ngoại giao xuất sắc, một người thầy, người anh của rất nhiều thế hệ cán bộ ngoại giao. Ông Vũ Khoan cũng là một nhà lãnh đạo tài năng của Đảng và Nhà nước. Một con người thật sự chí công vô tư, hết mình vì đất nước.

Ông đã làm việc đến những ngày cuối cùng của cuộc đời. Mặc dù đã bị bệnh nặng vài năm nay nhưng ông không dừng làm việc. Cuộc sống của ông hết sức thanh bạch, giản dị. Rất nhiều thế hệ cán bộ ngoại giao sẽ mãi nhớ đến ông, một nhà ngoại giao, nhà lãnh đạo xuất sắc của Việt Nam.

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan (phải) trong hoạt động kỷ niệm 25 năm Việt Nam gia nhập ASEAN năm 2020 do Bộ Ngoại giao tổ chức Ảnh: BỘ NGOẠI GIAO

Ông Đoàn Xuân Hưng nhớ lại nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan chính là người đã phỏng vấn tuyển ông Hưng vào làm trong Bộ Ngoại giao. Khi ông Hưng e ngại rằng mình không học ngoại giao, liệu có theo được ngành này, ông Vũ Khoan đã phân tích: “Cậu học kinh tế, chưa làm ngoại giao nên sẽ chưa hiểu hết ngành ngoại giao nhưng sẽ làm được ngoại giao, cậu sử dụng ngoại ngữ như một phương tiện”. Và nhà ngoại giao kỳ cựu đã thuyết phục được chàng trai trẻ khi đó vừa tốt nghiệp đại học vào làm ngành ngoại giao, sau này đã trở thành một nhà ngoại giao giỏi, đóng góp nhiều cho đất nước.

Đọc thêm

Đại sứ Đoàn Xuân Hưng chia sẻ các thế hệ cán bộ học được từ ông Vũ Khoan rất nhiều điều, đặc biệt là tư duy rất sắc sảo trong phân tích tình hình thế giới nhưng cách diễn đạt lại rất ngắn gọn, dễ hiểu.

Bộ Ngoại giao trong một thời gian khá dài đã tổ chức một lớp học dành cho cán bộ trung, cao cấp tại Học viện Ngoại giao để dạy cách tư duy về các vấn đề đối ngoại, ông Vũ Khoan là giảng viên chính. Mọi người thường gọi là “lớp Vũ Khoan”. Các thế hệ cán bộ ngoại giao khi được đi học “lớp Vũ Khoan” đều rất chăm chú lắng nghe, lĩnh hội kiến thức và rất hãnh diện khi khoe “đã qua lớp Vũ Khoan rồi”. Với phương pháp phân tích, nhận diện vấn đề, kinh nghiệm ứng xử ngoại giao…, ông đã tạo ra một “thương hiệu” đáng tự hào.

Kể cả lúc ông đã nghỉ hưu, khi có những vấn đề lớn xảy ra, Bộ Ngoại giao bao giờ cũng mời ông có ý kiến, nếu ông không đến dự được thì ghi âm, ghi hình để phát lại tại hội trường. “Những hội nghị lớn của Bộ Ngoại giao đánh giá về tình hình thế giới, tác động tới Việt Nam ra sao, dự đoán tới đây như thế nào… đều mời ông Vũ Khoan cho ý kiến. Khi ông phát biểu thì mọi người đều cảm thấy đúng là một bài tổng kết vừa bao quát vừa sâu sắc” – Đại sứ Đoàn Xuân Hưng bày tỏ.

Ông Vũ Khoan sinh ngày 7-10-1937, tại huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội. Ông là Ủy viên Trung ương Đảng khóa VII, VIII, IX; Bí thư Trung ương Đảng khóa IX; đại biểu Quốc hội khóa XI, XII; Phó Thủ tướng Chính phủ (2002 – 2006).

Ông Vũ Khoan từng giữ chức Thứ trưởng Bộ Ngoại giao (năm 1990), Bộ trưởng Bộ Thương mại (năm 2000); Phó Thủ tướng phụ trách Kinh tế đối ngoại, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về APEC (năm 2002). Năm 2007, ông nghỉ hưu tại TP Hà Nội.

Ông Vũ Khoan đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý: Huân chương Độc lập hạng nhất, Huân chương Lao động hạng nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng nhì, hàm Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng vào tháng 11-2021.

Ông được Chính phủ các nước trao tặng Huân chương Hữu nghị các dân tộc (Liên Xô cũ), Huân chương Tự do hạng nhất (Lào), Huân chương Mặt trời mọc (Nhật Bản).


DƯƠNG NGỌC