TP HCM gặp khó khi xử lý phương tiện của “cát tặc”

Địa điểm tập kết tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm còn hạn chế. Việc trông giữ, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm không bảo đảm an toàn, dễ hư hỏng, thất thoát.

Đó là đánh giá của Ban chỉ đạo đề án “Phòng, chống khai thác cát trái phép trên vùng biển Cần Giờ và vùng giáp ranh giữa thành phố với các tỉnh” trong báo cáo gửi UBND TP HCM do Phó Trưởng Ban Thường trực Nguyễn Thị Thanh Mỹ (Phó Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường TP HCM) ký.

Báo cáo cũng nêu việc bán đấu giá tang vật vi phạm bao gồm nhiều thủ tục. Một số bước không có văn bản hướng dẫn cụ thể gây nhiều khó khăn cho cơ quan chức năng thực hiện dẫn đến việc bán đấu giá kéo dài gây thất thoát cho Nhà nước.

Một tàu hút cát lậu trên sông Đồng Nai, khu vực giáp ranh TP HCM bị bắt quả tang (Ảnh: X.H).

Theo số liệu của Công an TP, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP, UBND TP Thủ Đức, huyện Cần Giờ, huyện Củ Chi, trong 9 tháng đầu năm 2022 đã bắt và xử lý 56 trường hợp khai thác, kinh doanh, vận chuyển cát không có nguồn gốc hợp pháp với 107 phương tiện. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính gần 2,7 tỉ đồng, gần 12.500 m3 cát được tịch thu.

Trong đó, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP chỉ đạo các Đồn Biên phòng Thạnh An, Cần Thạnh, Long Hòa đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 36 trường hợp có hành vi vận chuyển, khai thác khoáng sản trái phép, 64 phương tiện, xử phạt là hơn 1,2 tỉ đồng, tịch thu 12.370 m3 cát.

Theo Ban chỉ đạo đề án, chế tài xử lý đối với hành vi mua, bán, vận chuyển, tàng trữ, tiêu thụ khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp được quy định tại khoản d Điều 17 Nghị định số 98/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chưa đủ sức răn đe đối với đối tượng mua bán, vận chuyển, tàng trữ, tiêu thụ khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp.


QUỐC BẢO