TP HCM: Không lơ là trước biến thể phụ của Omicron

Ngày 5-1, Sở Y tế TP HCM sự xuất hiện nhiều biến thể mới của Omicron là không ngoài dự báo của các chuyên gia dịch tễ học. Việc thông tin cho người dân về những biến thể này cần sự chính xác để tránh tạo tâm lý hoang mang, lo lắng quá mức nhưng cũng không chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch.

Tiêm vắc-xin phòng COVID-19 tại trạm y tế phường Đa-Kao, quận 1, TP HCM

Theo Sở Y tế, hệ thống giám sát phòng chống dịch tại bệnh viện và cộng đồng trên địa TP đều chưa phát hiện biến thể XBB.1.5 (biến thể phụ XBB của Omicron).

Mới đây TP ghi nhận thêm biến thể phụ XBB của Omicron từ kết quả giải trình tự gene của Tổ chức OUCRU (Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM). Theo đó, tháng 12-2022, tại TP ghi nhận bên cạnh biến thể BA.2.75 còn có thêm 3/52 mẫu phết họng (từ người bệnh đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM) có biến thể XBB.  

Riêng về hệ thống giám sát biến thể SARS-CoV-2 từ cộng đồng trên địa bàn TP do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC) phối hợp với Viện Pasteur TP HCM thực hiện ghi nhận có 3 mẫu là biến thể XBB, xuất hiện vào giữa tháng 11-2022, trong đó, chiếm ưu thế vẫn là biến thể BA.2.75. Như vậy, cả 2 hệ thống giám sát tại bệnh viện và tại cộng đồng của TP HCM đều chưa phát hiện biến thể XBB.1.5.

Sở Y tế cho biết theo báo cáo của HCDC, số ca mắc mới trong khoảng thời gian giữa tháng 11-2022 đến nay là 208 trường hợp mỗi tuần, thấp hơn thời gian trước đó (trung bình mỗi tuần có 301 ca mắc mới). Bên cạnh đó, số ca nặng điều trị tại các bệnh viện cũng có dấu hiệu giảm nhẹ, hiện còn 7 trường hợp nặng (do bệnh nền đi kèm) đang thở máy, trong đó có 4 trường hợp do bệnh viện tỉnh chuyển đến.

Theo Sở Y tế, biến thể phụ XBB.1.5 là một nhóm phụ của XBB đang lưu hành tại Mỹ từ tháng 10-2022. Hiện chưa có bằng chứng cho thấy biến thể phụ XBB và XBB.1.5 gây bệnh nặng hơn so với các biến thể khác của Omicron. Theo công bố mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), biến thể phụ XBB.1.5 đã xuất hiện tại 25 quốc gia trên Thế giới (Mỹ, các nước Châu Âu, Hàn Quốc,…). Tại Việt Nam, do sự gia tăng giao lưu đi lại của người dân vào dịp lễ, Tết nên sự xuất hiện của biến thể phụ XBB.1.5 trong thời gian tới là khó tránh khỏi. Điều quan trọng là tiêm vắc-xin phòng COVID-19 vẫn có hiệu quả bảo vệ cơ thể không mắc bệnh nặng và giảm nguy cơ tử vong đối với các biến thể của Omicron (theo WHO).

Theo Sở Y tế TP HCM, hiện miễn dịch cộng đồng đối với COVID-19 tại TP HCM đạt 98,7%. Tuy nhiên, hiệu quả bảo vệ cộng đồng của vắc-xin sẽ giảm theo thời gian nếu người dân không tham gia tiêm hoặc không tiêm nhắc lại đúng theo quy định. Hiện nay, Sở Y tế vẫn tổ chức nhiều điểm tiêm vắc-xin phòng COVID-19 tại các điểm tiêm cố định trong cộng đồng, tại các bệnh viện và đang xây dựng kế hoạch tiêm vắc xin phòng COVID-19 xuyên Tết Quý Mão – 2023.

Ngành Y tế kêu gọi người dân TP hãy cùng trách nhiệm bảo vệ và duy trì miễn dịch cộng đồng đối với COVID-19 bằng cách cho người thân trong gia đình và trẻ em (từ 5 tuổi trở lên) đi tiêm vắc-xin phòng COVID-19 nếu chưa tiêm và tiêm nhắc lại, tiêm bổ sung đúng theo quy định.


Tin, ảnh: Hải Yến