TP HCM: Trước thềm năm học mới, phụ huynh lo nhà vệ sinh bẩn

Ngày 19-8, Ủy ban MTTQ TP HCM tổ chức hội nghị chuyên đề công tác chuẩn bị năm học mới 2022-2023 trên địa bàn.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ thành phố Nguyễn Thành Trung cho biết từ ngày 16 đến ngày 17-8, mặt trận thành phố đã triển khai lấy ý kiến bằng phiếu khảo sát với sự tham gia của 28.347 phụ huynh.

Qua khảo sát cho thấy đa số phụ huynh đánh giá tốt về thủ tục nhập học, học phí, các khoản đóng góp theo đúng quy định. Về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đa số các ý kiến đều đánh giá bình thường ở các mặt như phòng học, sân chơi và khu nhà vệ sinh.

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ thành phố Nguyễn Thành Trung cho biết đã triển khai lấy ý kiến bằng phiếu khảo sát với sự tham gia của 28.347 phụ huynh

Về môi trường giáo dục, đa số phụ huynh đánh giá tốt về các mặt như giáo viên thân thiện, mẫu mực; hài lòng với thái độ tiếp xúc giữa giáo viên và học sinh, gia đình; giáo viên công bằng với các học sinh trong lớp, có rèn một số kỹ năng mềm cần thiết, phù hợp với tâm lý lứa tuổi học sinh.

Tuy nhiên, đánh giá về tình hình cơ sở vật chất và trang thiết bị, số đông phụ huynh cho rằng ở mức độ bình thường. Đặc biệt, có 14,4% ý kiến phụ huynh phản ánh vẫn còn tình trạng nhà vệ sinh dơ bẩn, căn tin chưa đáp ứng nhu cầu của học sinh. Phụ huynh đề nghị quan tâm nhiều hơn nữa đến việc nâng cấp cơ sở vật chất nhà trường nhất là nhà vệ sinh, căn tin…

Ngoài ra, 6,6% ý kiến cho rằng các khoản đóng góp, mua sắm dụng cụ học tập đầu năm học ngoài học phí là quá lớn; 8,2% ý kiến cho rằng việc học vẫn còn áp lực trong thi cử, chương trình học còn nặng nề, chưa dành nhiều thời gian học ngoại khóa, kỹ năng sống; tình hình an ninh trật tự trước cổng trường còn nhiều bất cập.

Ông Trung cũng cho biết Ủy ban MTTQ thành phố với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức đoàn đã đến khảo sát tại UBND các quận 11, 12, Bình Tân và huyện Nhà Bè về công tác chuẩn bị cho năm học 2022-2023 của một số trường học trên địa bàn.

Qua khảo sát, đoàn nhận thấy công tác giáo dục – đào tạo được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm như bố trí quỹ đất, ngân sách cho giáo dục, xây dựng và sửa chữa trường lớp, tuyển dụng đội ngũ giáo viên và đặc biệt là tạo mọi điều kiện thuận lợi cho trẻ trong độ tuổi đi học được đến trường

Tuy nhiên, còn địa phương đối diện khó khăn do việc xây dựng trường lớp chưa theo kịp số lượng học sinh tăng; công tác tuyển giáo viên chuyên ngành như anh văn, âm nhạc, mỹ thuật khó khăn…

Một số địa phương có tình trạng vừa thừa vừa thiếu lớp học; chế độ đãi ngộ chưa thu hút giáo viên tham gia vào các trường công lập…

Có chế độ chăm lo để giáo viên yên tâm công tác

Là người tham gia đoàn khảo sát, ông Trần Trung Hậu, Phó Chủ tịch Hội cựu giáo chức thành phố, đề xuất các địa phương nên tạo nguồn quỹ để hỗ trợ cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn; có giải pháp cụ thể trong việc vận động xã hội hóa tại các trường, để phụ huynh của những gia đình khó khăn yên tâm cho con đi học.

Ông cũng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có chế độ chính sách, chăm lo đời sống của đội ngũ giáo viên để yên tâm công tác.


NGUYỄN PHAN