TP HCM: Vì sao cần dùng camera để trị nạn xả rác bừa bãi?

Vừa qua, Đoàn công tác của UBND TP HCM có buổi làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) về các kiến nghị cơ chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực tài nguyên và môi trường để đưa vào dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội.

Sau buổi làm việc, Sở Tài TN-MT TP HCM đã điều chỉnh và hoàn thiện các nội dung kiến nghị cơ chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực này để đưa vào dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 54 gồm 11 nội dung liên quan đến lĩnh vực đất đai (bỏ 1 nội dung liên quan đến thành lập Trung tâm Phát triển quỹ đất thuộc UBND TP Thủ Đức do thuộc thẩm quyền Chính phủ) và 5 nội dung liên quan đến lĩnh vực môi trường.

Rác thải chất thành đống tại hầm chui trước khu chế xuất Linh Trung I, TP Thủ Đức (Ảnh: ANH VŨ).

Trong đó, về lĩnh vực môi trường, TP HCM đề xuất cho phép UBND các cấp được sử dụng các thiết bị công nghệ hỗ trợ để giám sát tình hình an ninh trật tự và làm căn cứ để xử lý đối với hành vi vi phạm an ninh trật tự và vệ sinh nơi công cộng tại địa phương.  

Theo Sở TN-MT, Nghị định 135/2021 (thay thế Nghị định 165/2013) quy định 33 phương tiện, thiết bị nghiệp vụ được sử dụng để phát hiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, trong đó có thiết bị ghi âm, ghi hình.

Dữ liệu đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng; dữ liệu do cá nhân, tổ chức cung cấp. Cơ quan tiếp nhận, thu thập dữ liệu phản ảnh vi phạm về môi trường gồm Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Công an xã, Thanh tra chuyên ngành…

Người, cơ quan có thẩm quyền xử phạt tiếp nhận dữ liệu phản ảnh vi phạm để xử lý từ các nguồn do cơ quan nhà nước có thẩm quyền chuyển đến đề nghị kiểm tra, xác minh.

Người dân vô tư xả rác gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị (Ảnh: ANH VŨ).

Như vậy, UBND cấp huyện, cấp xã chưa được quy định được sử dụng thiết bị ghi hình để phát hiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực vệ sinh nơi công cộng.

Ngoài ra, Thanh tra Sở TN-MT, Cảnh sát môi trường, Công an xã cũng bị giới hạn về quy định thiết bị ghi hình (chủng loại, điều kiện sử dụng) để phát hiện, xử lý vi phạm về vệ sinh nơi công cộng.

Trong khi đó, thực tế cho thấy trong lĩnh vực vệ sinh nơi công cộng, hành vi xả rác, tiểu tiện không đúng nơi quy định có đặc thù xảy ra nhanh, khó bị phát hiện mà lực lượng kiểm tra tại địa phương còn hạn chế. Do đó việc sử dụng hệ thống camera để phát hiện vi phạm và làm cơ sở phạt nguội là rất cần thiết và phù hợp.

Quần áo cũ bị vứt bài bãi dưới chân cầu vượt bộ hành trên đường Phạm Văn Đồng (Ảnh: ANH VŨ).

Tận dụng “mắt thần” ở khu dân cư

Hiện nay, UBND các cấp không thể xử phạt trực tiếp hành vi xả rác, tiểu tiện không đúng nơi quy định mà chỉ sử dụng hình ảnh ghi nhận để đấu tranh buộc đối tượng thừa nhận vi phạm. Trường hợp đối tượng vi phạm không đồng ý sẽ không xử phạt được.

Tại các khu dân cư trên toàn thành phố đã lắp đặt 42.366 camera an ninh kết hợp theo dõi, giám sát chất lượng vệ sinh môi trường. Do đó, nhằm hỗ trợ cho công tác xử phạt, thành phố kiến nghị Chính phủ cho phép được thí điểm sử dụng thiết bị ghi hình để phát hiện và xử phạt trực tiếp đối với các hành vi vi phạm. Hình ảnh vi phạm ghi nhận từ thiết bị ghi hình dùng làm căn cứ xử phạt hợp pháp. Điều này giúp tăng cường nguồn lực cho công tác phát hiện và xử phạt vi phạm vệ sinh nơi công cộng.


QUỐC BẢO