Tránh hiểm họa phình động mạch chủ

Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn (TP HCM) vừa cấp cứu kịp thời cho ông L.Q.C (64 tuổi, ở quận 12) bị phình động mạch chủ bụng suýt vỡ. Ông C. nhập viện cấp cứu trong tình trạng đau bụng dữ dội, cơn đau lan ra cả vùng hông lưng phía sau.

Cứu sống kịp thời nhiều ca bệnh

  • Người đàn ông bị phình động mạch não giữa kích thước “khổng lồ”

  • Can thiệp nội mạch chữa phình động mạch não

  • Yêu cầu báo cáo việc bệnh nhân đặt stent động mạch vành từ năm 2015 đến nay

  • Bệnh viện Chợ Rẫy cứu sống nam thanh niên bị vỡ động mạch sau cuộc nhậu

Người nhà cho biết vài ngày trước khi nhập viện, ông C. chỉ bị đau nhẹ vùng thắt lưng, sau đó đau đớn ngày càng tăng nặng. Tại bệnh viện, kết quả kiểm tra cho thấy ông bị phình động mạch chủ bụng trên thận có kích thước 7 cm, có bóc tách động mạch chủ, dọa vỡ. Bệnh nhân còn bị nhiều bệnh lý đi kèm như đái tháo đường, tăng huyết áp, hội chứng Cushing, rối loạn mỡ máu…

Nhận định nguy cơ tử vong cao nên dù tỉ lệ thành công chỉ 50% song các bác sĩ quyết định mổ khẩn cứu người bệnh. Khối phình được xử trí, làm cầu nối từ động mạch chủ ngực xuống vào động mạch thận trái, thay động mạch chủ bụng bằng ống ghép nhân tạo và chuyển các mạch máu nuôi tạng về ống ghép. Sau mổ, điều trị tích cực, ông C. qua cơn nguy kịch.

Theo ThS-BS Lương Công Hiếu, Khoa Ngoại Tim mạch – Lồng ngực, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn, trường hợp của ông C. phải được chẩn đoán nhanh và chính xác là phình động mạch chủ dọa vỡ. Nếu không được chẩn đoán đúng và giải quyết kịp thời, ông C. sẽ tử vong do mất máu. Khi túi phình động mạch chủ căng dọa vỡ, người bệnh thường có các biểu hiện đau ngực, đau bụng, đau lưng dữ dội, khó thở nhiều, da xanh nhợt, tụt huyết áp,… Cơ hội cứu sống bệnh nhân bị phình động mạch chủ dọa vỡ thường rất mong manh.

Bệnh nhân có túi phình động mạch to như quả cam được các bác sĩ Bệnh viện Bình Dân TP HCM phát hiện, cứu kịp thời

Nhiều bệnh viện trên địa bàn TP HCM như Chợ Rẫy, Đại học Y Dược, 115, Gia Định… cũng tiếp nhận không ít trường hợp phình động mạch như “bom nổ chậm” này.

Ca bệnh đáng nhớ được các bác sĩ Bệnh viện Gia An 115 TP HCM cứu kịp thời là cụ bà N.T. T (82 tuổi, ở quận Bình Tân), có khối phình đập theo nhịp mạch ngay rốn. Kết quả siêu âm ổ bụng cho thấy bệnh nhân có khối phình động mạch chủ 37x40x50 mm, nguy cơ vỡ rất cao.

Theo BSCKII Dương Duy Trang, Phó Giám đốc Bệnh viện Gia An 115 kiêm Trưởng Khoa Nội tim mạch – Tim mạch can thiệp, với sự hỗ trợ của các phương tiện kỹ thuật, kinh nghiệm của bác sĩ nên ca bệnh này được xử trí can thiệp nhanh nhất: đặt Stent Graft vào trong lòng túi phình, loại bỏ hoàn toàn túi phình.

Còn tại Bệnh viện Bình Dân TP HCM, các bác sĩ Khoa Phẫu thuật tim – mạch máu cũng mổ cấp cứu thành công cho một người đàn ông 57 tuổi ở Đắk Lắk có túi phình động mạch chủ bụng to như quả cam với kích thước 9,2×8,2 cm; viêm dính cột sống. Đây là một tình trạng cực kỳ nguy cấp vì túi phình có thể vỡ bất cứ lúc nào, đặc biệt khi có vận động, va chạm mạnh. Người bệnh còn tự chạy xe máy đi kiểm tra sức khỏe và không hề hay biết về sự tồn tại của một túi phình khổng lồ trong bụng mình.

Vỡ phình, 80% tử vong dù được cấp cứu

PGS-TS-BS Trần Vĩnh Hưng, Giám đốc Bệnh viện Bình Dân, cho biết phình động mạch chủ bụng là tình trạng động mạch bị giãn ra hơn bình thường, thành mạch dần mỏng và yếu, có nguy cơ vỡ đột ngột do áp lực máu. Động mạch chủ bụng là động mạch lớn nhất trong cơ thể dẫn máu từ tim đến các cơ quan ở nửa phần dưới của cơ thể. Vỡ túi phình có thể làm người bệnh tử vong bất cứ lúc nào. Phần lớn người bệnh được phát hiện tình cờ qua siêu âm bụng hoặc sờ thấy khối phình trong bụng đập theo nhịp tim.

“Đối với các bệnh nhân phình động mạch chủ bụng, khi có các triệu chứng như đau bụng, ngất… cần nghĩ đến khả năng túi phình đã vỡ. Khi túi phình vỡ, nếu không được phẫu thuật kịp thời, bệnh nhân sẽ nhanh chóng tử vong” – PGS Hưng nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia, phình động mạch là sự giãn bất thường của động mạch bởi sự suy yếu của thành động mạch (tăng hơn 50% đường kính so với đoạn bình thường), chủ yếu do các nguyên nhân như tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, nhiễm trùng, chấn thương hoặc mắc phải các bệnh di truyền như hội chứng Marfan, hội chứng Ehlers-Danlos. Phình động mạch có thể xảy ra ở bất kỳ động mạch nào, phổ biến nhất là phình động mạch chủ bụng và ngực. Bệnh này diễn tiến thầm lặng và thường không có triệu chứng, thường chỉ xuất hiện khi bệnh có những biến chứng như tắc mạch, bóc tách động mạch, vỡ phình mạch,…

Vỡ phình động mạch chủ là một biến chứng cực kỳ nguy hiểm, có thể gây tử vong nhanh chóng và tỉ lệ tử vong sau khi mổ hoặc can thiệp cấp cứu ghi nhận lên đến 80%. Vì vậy, bên cạnh điều trị nội khoa các bệnh lý đi kèm (tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, nhiễm trùng…), khối phình động mạch chủ cần được theo dõi sát và mổ hoặc can thiệp ở thời điểm thích hợp nhằm ngăn ngừa biến chứng vỡ phình.

BS Lương Công Hiếu khuyến cáo nên kiểm tra sức khỏe định kỳ, nhất là người lớn tuổi, trong đó siêu âm bụng nhằm giúp phát hiện và điều trị kịp thời túi phình động mạch bằng cách phẫu thuật loại bỏ túi phình hoặc đặt stent nội mạch, tránh để túi phình ngày càng lớn dần và vỡ đột ngột.

“Việc tiến hành các xét nghiệm hình ảnh định kỳ (siêu âm và CTA) theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa sẽ giúp cho người bệnh mắc chứng phình động mạch chủ có kế hoạch điều trị tốt hơn. Can thiệp ngoại khoa chủ động đúng thời điểm sẽ giúp giảm nguy cơ cho bệnh nhân rất nhiều so với can thiệp cấp cứu” – BS Hiếu khuyến cáo. 

Kỹ thuật mới giảm biến chứng

Theo giới chuyên môn, với kỹ thuật can thiệp đặt Stent Graft, các bác sĩ sẽ tiến hành đưa ống thông vào mạch máu qua lỗ nhỏ ở vùng bẹn hoặc tay lên tới vị trí khối phình và đặt cố định trong lòng động mạch. Đây là kỹ thuật ít xâm lấn nên có nhiều ưu việt hơn so với phẫu thuật mở: giảm thời gian nằm viện và hồi sức, giảm nguy cơ nhiễm trùng, giảm tình trạng mất máu cho người bệnh.


Bài và ảnh: NGUYỄN THẠNH