Trở về sau gần 30 năm lưu lạc ở Trung Quốc, chị em chỉ biết ôm nhau khóc

Gia đình bà Lô trùng phùng sau gần 30 năm bà thất lạc xứ người

Trong căn nhà cấp 4 ở thôn Hòa Bình, xã Thịnh Lộc, huyện Lộc Hà, tĩnh Hà Tĩnh của ông Trần Xuân Tưởng, nhiều người hàng xóm đang tới thăm hỏi khi hay tin chị ông, bà Trần Thị Lô (55 tuổi), trở về sau gần 30 năm lưu lạc. Tiếng cười nói râm ran khiến không khí thật sự xúc động và ấm cúng.

Giọng nói run run với nỗi vui mừng xen lẫn xót thương người chị gái, ông Tưởng cho hay gia đình có 9 anh chị em, bà Lô là người con gái thứ 5. Do hoàn cảnh khó khăn, bố mẹ mất sớm nên năm 1992, bà Lô vào khu kinh tế mới ở Đắk Lắk cùng người thân. Do không được nhanh nhẹn, hoạt bát như người khác nên trong một lần đi lạc, bà đã bị lừa bán sang Trung Quốc.

Bà Lô trầm tư ngày trở về đoàn tụ gia đình

“Thời điểm đó là vào khoảng cuối năm 1994 đầu 1995. Sau khi mất liên lạc hoàn toàn với chị, gia đình tôi đã tìm kiếm khắp nơi nhưng vô vọng” – ông Tưởng nhớ lại.

Theo ông Tưởng, từ lúc bà Lô mất tích cho đến khi gặp lại người chị gái, ông cũng như gia đình không thôi hy vọng một ngày nào đó các anh chị em sẽ được đoàn tụ.

“Suốt những năm tháng đó, gia đình tôi đã trình báo chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng, đồng thời phát thông tin tìm kiếm, liên hệ khắp nơi nhưng bặt vô âm tín. Nhiều người nói chị đã chết nhưng tôi vẫn luôn tin rằng có ngày chị sẽ về. Tôi luôn căn dặn con cháu trong nhà theo dõi các trang mạng và thông tin báo chí để tìm đâu đó chút manh mối về chị. Và rồi, niềm tin của tôi đã thành hiện thực khi người cháu báo tin đã biết được chị Lô ở đâu” – vân vê những ngón tay như để kìm nén xúc động, ông Tưởng kể lại.

Vợ chồng ông Tưởng cùng bà Lô và những người hàng xóm đến chung vui

Tối 2-11 vừa qua, gia đình bất ngờ nhận được thông tin bà Lô đang được chăm sóc ở Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Nghệ An. Trước đó, phía công an Trung Quốc có đợt kiểm tra giấy tờ tùy thân của người dân, bà Lô không có giấy tờ nên bị trả về nước.

Nhận được thông tin, gia đình ông Tưởng vui mừng khôn xiết. Đến sáng 3-11, gia đình thu xếp đi xe từ Hà Tĩnh ra Nghệ An làm các thủ tục đón bà Lô trở về quê hương. 

Dù gần 30 năm lưu lạc xứ người nhưng bà Lô vẫn nói và nghe được tiếng Việt. Khi về đến nhà, bà vẫn nhận ra làng xóm cũng như người quen sau nhiều năm xa cách.

“Đó có thể là đêm dài nhất trong cuộc đời tôi. Nằm trên giường mà tôi không tài nào ngủ được, cứ mong trời mau sáng để được ra gặp chị. Và rồi, khi gặp nhau, tôi và chị cứ thế ôm nhau khóc, bao nhiêu nước mắt mừng tủi ngày hội ngộ tuôn rơi sau gần 30 năm đằng đẵng chị em xa nhau không chút manh mối” – ông Tưởng nghẹn ngào.

Đến chung vui cùng gia đình ông Tưởng, bà Nguyễn Thị Liêm (70 tuổi, hàng xóm) cũng xúc động không kém. “Lô tội lắm. Từ nhỏ, gia đình đã nghèo khổ rồi, giờ nghe nói nó ở bên đó cũng làm nông, không có giấy tờ tùy thân gì nên người ta coi thường lắm. Chị em nó gặp lại nhau rồi, thật sự không có gì vui mừng hơn” – bà Liêm bày tỏ.

Vợ chồng ông Tưởng mừng tủi ngày đón chị ruột về

Theo ông Nguyễn Khắc Phong, Chủ tịch UBND xã Thịnh Lộc, bà Lô được đưa về Nghệ An và được cơ quan chức năng chăm sóc gần 1 tháng nay nhưng gia đình mới biết thông tin và đến đón. Còn hành trình bà Lô trở về Việt Nam như thế nào thì gia đình không biết được cụ thể.

Gia đình ông Tưởng cho hay bà Lô đã có 4 con (3 nam, 1 nữ). Hiện nay, các con bà ở nước ngoài, còn người chồng của bà ở Trung Quốc thì đã mất.

“Chúng tôi đang cho người hướng dẫn bà Lô cũng như người thân làm lại các giấy tờ, thủ tục một cách nhanh nhất. Nguyện vọng của bà Lô là sang năm 2023, khả năng người con của bà ở nước ngoài sẽ sang Việt Nam đón mẹ qua bên đó” – ông Phong cho biết.


Vĩnh Gia