Đó là hiện tượng “nguyệt thực nửa tối”, khác với nguyệt thực thông thường ở chỗ chiếc bóng của chính Trái Đất sẽ không khiến cư dân sống ở mặt đang tối của nó thấy Mặt Trăng chuyển đỏ như nguyệt thực toàn phần, mà chuyển thành một màu hơi xám, giống như bị phủ tấm voan đen mỏng.
Khu vực nhìn thấy nhật thực (màu tím) bao gồm hầu hết các châu Á – Âu – Phi – Úc và cả châu lục không người Nam Cực – Ảnh: TIME AND DATE
Cũng giống như nguyệt thực toàn phần, nguyệt thực nửa tối thật ra được tạo nên bởi chiếc bóng của chính Trái Đất phủ lên Mặt Trăng, khi Mặt Trời, Trái Đất và Mặt Trăng vô tình thẳng hàng hoặc gần như thẳng hàng trong đêm trăng tròn.
Với nguyệt thực nửa tối, Mặt Trăng sẽ không hoàn toàn nằm chính giữa đường thẳng mà lệch đi một chút, khiến nó lọt vào vùng bóng nửa tối của Trái Đất thay vì bóng tối toàn phần.
HÌnh ảnh Mặt Trăng khi đón nguyệt thực nửa tối – Ảnh: TIME AND DATE
Khi lọt vào vùng tối toàn phần, Mặt Trăng sẽ chuyển sang màu đỏ – được tạo nên bởi sự tán xạ ánh sáng của khí quyển Trái Đất – nên nguyệt thực toàn phần còn gọi là “trăng máu”.
Với nguyệt thực nửa tối, ánh sáng từ Mặt Trời đơn giản là bị che mất một phần nên Mặt Trăng sẽ như mờ đi khi nguyệt thực xảy ra.
Nếu Mặt Trăng lọt vào bóng tối hoàn toàn của Trái Đất (Umbra), sẽ tạo ra nguyệt thực toàn phần (trăng máu), lọt vào khu vực nửa tối (Penumbra) sẽ tạo ra nguyệt thực nửa tối. Bạn sẽ thấy nguyệt thực bán phần khi Mặt Trăng nằm giữa hai vùng trên – Ảnh đồ họa từ NASA
Theo tính toán của trang Date and Time, do phủ bóng lên hầu hết diện tích những châu lục đông dân nhất thế giới nên ước tính có tới gần 84% dân số toàn cầu sẽ thấy nguyệt thực nửa tối, bao gồm Việt Nam.
Theo định vị tại TP HCM, nguyệt thực nửa tối sẽ bắt đầu lúc 22 giờ 14 phút đêm 5-5, đạt cực đại lúc 0 giờ 22 phút rạng sáng 6-5 và kết thúc sau đó hơn 2 tiếng – lúc 2 giờ 31 phút.
Như vậy toàn bộ lãnh thổ Việt Nam nằm trong khu vực quan sát nguyệt thực trọn vẹn, do thời điểm bắt đầu và kết thúc đều là ban đêm. Có 57% người Trái Đất cùng nhận được may mắn này.
Đường đi của nguyệt thực nửa tối đêm 5-5, rạng sáng 6-5. Giờ Việt Nam tương ứng với giờ UTC cộng 7 giờ – CLIP: TIME AND DATE
Quan sát nguyệt thực nửa tối không thật sự dễ dàng do trong giai đoạn chính Mặt Trăng vẫn có ánh sáng trắng bạc, chỉ đơn giản là hơi tối đi.
Vì vậy khoảnh khắc thú vị nhất là khi nguyệt thực nửa tối đang bắt đầu và đang kết thúc, lúc đó bạn sẽ thấy cảnh tượng “tấm voan đen” đang dần kéo lên rồi kéo xuống trên “khuôn mặt chị Hằng”.