Nghị quyết (NQ) 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố ra đời tạo động lực mới khi TP HCM có cơ hội tối ưu hóa mọi nguồn lực, tiềm năng sẵn có để phát triển vượt bậc.
CBCC giữ vai trò quan trọng
Để hiện thực hóa NQ98, cần có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan trung ương cũng như các địa phương; việc phân cấp, phân công cần được thực hiện một cách rõ ràng, cụ thể… NQ98 sẽ tháo gỡ 80% điểm nghẽn, vướng mắc của thành phố. Thế còn 20% nữa?
Theo tôi, một vài phần trăm trong 20% đó là đến từ năng lực thực thi công vụ của cán bộ, công chức (CBCC) thành phố. Có một ví von khá thú vị là “nền hành chính vận hành như hoạt động giao thông”. Con đường ví như thể chế, xe cộ như bộ máy hành chính, lái xe như CBCC, xăng dầu như tài chính công. Bốn thành tố cơ bản tạo nên nền hành chính.
Con đường, xe cộ dù có tốt, xăng nhớt dù đầy đủ nhưng bác tài tay lái kém, lái ẩu thì sẽ nhất định gây tai nạn, tạo ra điểm nghẽn. Alexandre Đại đế có câu nói rất nổi tiếng: “Tôi không sợ một đội quân sư tử được chỉ huy bởi một con cừu mà sợ đội quân cừu được chỉ huy bởi một con sư tử”.
ông ở đây muốn nói vai trò quan trọng của người lãnh đạo, người chỉ huy. CBCC được nhân dân ủy thác, cấp trên tín nhiệm giao quyền quản lý toàn diện trên địa bàn. Họ giữ vai trò quan trọng, quyết định sự thành bại của việc thực hiện NQ98.
Cán bộ, công chức giữ vai trò quan trọng, quyết định sự thành bại của việc thực hiện Nghị quyết 98Ảnh: Hoàng Triều
Đầu tư cho lượng lẫn chất
Để đội ngũ CBCC hoàn thành được sứ mệnh lớn lao nói trên, bên cạnh thực hiện chi thu nhập tăng thêm, cần có thưởng xứng đáng dựa vào thành tích làm việc. Thưởng có giá trị đích đáng khuyến khích CBCC bỏ ra công sức, cố gắng vươn lên, trau dồi kỹ năng làm việc để công việc ngày càng tốt hơn.
Vấn đề khó ở đây là làm sao để đánh giá chính xác thành tích của từng CBCC. Tôi kiến nghị bổ sung “chế định sát hạch công chức” vào riêng Quy chế công chức cho CBCC thành phố.
Phải thay đổi căn bản phương pháp đánh giá CBCC; thực hiện chế định sát hạch CBCC để thay đổi cách đánh giá. Song song đó, cần đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng CBCC, theo chủ trương TP HCM là thành phố thông minh sáng tạo.
Điều này đòi hỏi phải đào tạo, đào tạo lại CBCC. Phương thức đào tạo hiện nay chủ yếu theo chức nghiệp, nhằm tiêu chuẩn hóa chức danh CBCC, chứ chưa chú trọng đầy đủ đến những kiến thức và kỹ năng để xây dựng cho công chức năng lực thực hiện tốt hơn công việc và nhiệm vụ được giao.
Hiện trạng công tác đào tạo đang gây ra tình trạng hụt hẫng về năng lực thực thi thích ứng với nhiệm vụ, yêu cầu phát triển của thành phố. Đối với mục tiêu đáp ứng mục tiêu phát triển của thành phố trong tương lai thì sự hụt hẫng này càng trở thành thách thức lớn đối với chính quyền.
Nói cho dễ hiểu, ta chỉ chú ý việc đưa công chức ngồi vào “ghế” mà chưa quan tâm đến chuyện họ “ngồi vào ghế, rồi phải làm việc như thế nào”. Để khắc phục tình trạng đó, cần hướng đến việc đào tạo lại năng lực, kỹ năng, kiến thức còn hụt hẫng cho CBCC. Đối với CBCC tuyển mới, phải thông qua thi tuyển cạnh tranh công khai vào các chức danh, vị trí có nhu cầu còn trống.
CBCC TP HCM được thụ hưởng chế độ khuyến khích vượt trội nên kiến nghị áp dụng chế độ hợp đồng lao động như viên chức. Ở các nước không có chuyện công chức làm việc biên chế suốt đời mà “có vào có ra” khi không đạt yêu cầu công việc.
Tuy nhiên, áp dụng cho CBCC toàn TP HCM thì hơi khó. Vì vậy, nên chăng bắt đầu từ TP Thủ Đức rồi nhân rộng ra. Tất nhiên, CBCC TP Thủ Đức cũng sẽ được hưởng thêm nhiều ưu đãi so với những quận, huyện còn lại.
TP Thủ Đức với kỳ vọng to lớn khi quyết định thành lập, như một cực tăng trưởng của cả khu vực Vùng kinh tế trọng điểm lớn nhất cả nước. Không thể xem CBCC ở đây như bất kỳ CBCC của các quận, huyện nào của TP HCM cũng như cả nước, mà phải đặt họ ở một vị thế khác để ứng xử.
Tôi không đặt vấn đề thu hút nhân tài trong bộ máy hành chính, vì lý do quản lý hành chính nhà nước khác với chuyên môn nghiệp vụ khác. Hơn nữa, “môi trường hành chính” quyết định “hành vi hành chính”.