Cơ hội nào cho lao động chưa có nghề?

Theo các trung tâm dịch vụ việc làm ở một số tỉnh phía Nam, nhu cầu tuyển dụng lao động qua đào tạo ngày một tăng cao. Nhiều vị trí công nhân (CN) của các doanh nghiệp (DN) vẫn yêu cầu người lao động (NLĐ) phải có trình độ trung cấp nghề trở lên. Điều này khiến nhiều lao động chưa có trình độ nghề gặp khó khi đi tìm việc làm ổn định.

Hướng nghiệp càng sớm càng tốt

Gia cảnh khó khăn, không đủ khả năng học tiếp tục sau khi tốt nghiệp THPT, Vũ Ngọc Quảng (22 tuổi, quê Ninh Thuận) vào tỉnh Bình Dương làm CN cho một DN gỗ. Tuy nhiên, tháng 10-2022, khi DN này thiếu đơn hàng, buộc phải cắt giảm khoảng 80 nhân công thì Quảng nằm trong số đó với lý do chưa được đào tạo nghề.

“Thất nghiệp, tôi có xin vài nơi nhưng cũng không đạt yêu cầu, nên tôi về quê làm bốc vác ở cảng cá. Nhưng công việc quá vất vả mà thù lao thấp, vì vậy ăn Tết xong, tôi vào TP HCM tìm việc. Hơn tháng nay, tôi xin nhiều công ty để sớm ổn định nhưng vẫn chưa được nên phải làm việc thời vụ để trang trải cuộc sống” – Quảng nói và cho hay sẽ cố gắng học được một cái nghề cho bản thân.

Học nghề giúp con đường đến với công việc rộng mở và ổn định hơn

Tương tự hoàn cảnh của Quảng nhưng Đoàn Thị Xuân (25 tuổi, quê Gia Lai) lại có công việc tốt nhờ vừa học vừa làm. Xuân vào TP HCM phụ quán cho người dì sau khi học hết lớp 12. Có đam mê với cắt may thời trang, ngoài thời gian phụ quán, Xuân tự mày mò nghiên cứu về cắt may thời trang trên YouTube. Sau đó Xuân đến một xưởng may thời trang cao cấp xin làm việc bán thời gian để lấy kinh nghiệm.

“Tôi tự học nên không có chứng chỉ hay bằng cấp. Nhưng trong quá trình làm thêm, tay nghề và kỹ năng của tôi được đánh giá tốt nên được nhận vào làm với vị trí của người học bậc cao đẳng, lương cũng cao. Tôi dự tính năm nay sẽ đăng ký đi học thêm để nâng cao trình độ và lấy bằng để có việc làm tốt hơn sau này” – Xuân bộc bạch.

Theo bà Trần Minh Ngọc, Giám đốc nền tảng Vieclamtot.com (quận 1, TP HCM), lao động chưa qua đào tạo đang đối diện với nhiều thách thức khi tìm việc làm dài lâu. Những công việc tự do, bán thời gian thì chỉ có thể làm trong ngắn hạn, đó không thể là sự nghiệp của NLĐ. Do đó, việc định hướng nghề nghiệp cho NLĐ phải được thực hiện ngay từ khi họ đang là học sinh THCS, chậm nhất là lúc họ bước vào THPT. Hướng nghiệp càng sớm, hiệu quả càng cao, giúp phân luồng được nguồn nhân lực thông qua từng bậc đào tạo. Từ đó, cảnh “thừa thầy thiếu thợ” sẽ không còn.

Thêm những lời khuyên cùng giải pháp

Tuy vậy, không phải mọi cánh cửa việc làm đều đóng với NLĐ chưa qua đào tạo. Có hàng ngàn công việc cho nhóm lao động này và nhu cầu tuyển dụng vẫn rất sôi động và khá thường xuyên. Trong đó, nhiều chuyên gia cho rằng thợ sửa xe, sửa điện nước, cơ khí, thợ xây dựng… là những công việc mà một lao động chưa qua đào tạo có thể vừa làm vừa học. Nhiều DN sẵn sàn tiếp nhận người chưa biết gì vào làm để đào tạo thành thợ. Nhóm nghề này phù hợp với nam giới.

Với nữ thì có thể tham gia vào nhóm công việc dịch vụ như làm tóc, chăm sóc da, vật lý trị liệu… cũng có thể trở thành một nghề chuyên nghiệp, gắn bó lâu dài được. “Nghề nào cũng có tiêu chuẩn riêng để đánh giá trình độ, tay nghề, kỹ năng và bậc nghề. Vì vậy, trong quá trình vừa học vừa làm đó, NLĐ tận dụng tối đa thời gian để rèn luyện, học tập và tìm cơ hội để thi lấy chứng chỉ nghề. Giỏi nghề rất được trọng dụng nhưng nghề đó được công nhận mới là điều quan trọng trong sự nghiệp làm nghề của NLĐ” – ông Nguyễn Quang Cường, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh niên TP HCM nhắn nhủ.

Ông Trương Anh Dũng, Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN), cho biết Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo ông Dũng, đến năm 2025 mạng lưới cơ sở GDNN đủ năng lực đáp ứng nhu cầu nhân lực qua đào tạo nghề của các ngành nghề trong nền kinh tế, giảm khoảng 50% trường trung cấp công lập, nâng tỉ lệ cơ sở GDNN tư thục, cơ sở GDNN có vốn đầu tư nước ngoài lên khoảng 50%.

Hoàn thành sáp nhập các trung tâm giáo dục thường xuyên, giáo dục hướng nghiệp, dạy nghề thành một cơ sở GDNN trên địa bàn cấp huyện. “Hiện Tổng cục GDNN đang đẩy mạnh hợp tác với các nước có nền GDNN tiên tiến, đã chứng minh được hiệu quả vượt bậc như Đức, Anh, Úc, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản… Các chương trình hợp tác đang được tích cực triển khai để đáp ứng ngày càng cao của DN trong nước và cả DN các nước hợp tác” – ông Dũng nói.

Theo ông Dũng, nhiều trường cao đẳng, trung cấp nghề dành khá nhiều ưu đãi về học phí, cấp học bổng để thu hút người học. Đáng chú ý, tỉ lệ có việc làm đúng ngành nghề chuyên môn đào tạo của sinh viên trường nghề cao vượt bậc. Không những thế, xu hướng liên kết đào tạo và tuyển dụng nhân lực với trường nghề đang được các DN, tập đoàn lớn chú trọng trong thời gian gần đây.

Theo Tổng cục GDNN, quy mô tuyển sinh, theo trình độ đào tạo đến năm 2025 đạt từ 2,5 – 2,7 triệu lượt người/năm, trong đó trình độ cao đẳng, trung cấp chiếm khoảng 25%. Đến năm 2030, đạt từ 3,8 – 4 triệu lượt người/năm, trong đó trình độ cao đẳng, trung cấp chiếm khoảng 30%. Đáp ứng đủ nhu cầu tuyển dụng của các DN trong mọi lĩnh vực.


Bài và ảnh: GIANG NAM