Ít nhất vài chục năm, công nhân mới tích lũy mua được nhà

Quyết tâm đưa ra giải pháp về nhà ở cho công nhân

Theo Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn Vũ Minh Tiến, kể cả khi có nhà ở xã hội thì với mức lương như hiện nay, công nhân lao động cũng rất khó có thể mua nhà.

“Hai vợ chồng công nhân phải nuôi hai đứa con, với mức thu nhập từ 6 – 9 triệu đồng/tháng thì theo tính toán của chúng tôi, ngay cả khi họ tiết kiệm, thắt lưng buộc bụng cũng phải mất bình quân từ 10 – 20 năm mới có thể tích lũy mua được nhà. Thậm chí có gia đình CN không bao giờ mua được nhà vì lương hàng tháng vẫn không đủ chi tiêu” – TS Vũ Minh Tiến cho hay.

Có tới 80-90% công nhân hiện nay đang thuê nhà dân, một số ít ở ký túc xá, khu lưu trú và chỉ một số rất ít công nhân mua được nhà ở xã hội.

Do vậy, theo Viện trưởng Vũ Minh Tiến, để công nhân tiếp cận được với nhà ở giá rẻ, bên cạnh hoàn thiện chính sách, cần phải thay đổi cả nhận thức, hành vi của các cấp chính quyền, cán bộ giải quyết thủ tục liên quan đến phát triển nhà ở, cấp phép, vay vốn… Đặc biệt, cần có sự tham gia của Nhà nước, các tổ chức, người sử dụng lao động trong việc hỗ trợ, phát triển nhà ở cho công nhân.

Cùng bàn luận về vấn đề này, ông Lê Văn Nghĩa – Trưởng ban Quản lý dự án thiết chế công đoàn thuộc Tổng LĐLĐVN – cho biết, việc triển khai đề án thiết chế Công đoàn trong đó có xây dựng các nhà ở xã hội cho công nhân hiện đang vướng về Luật Đất đai, Luật Nhà ở và hiện Tổng LĐLĐVN cũng đã có đề xuất để tháo gỡ khó khăn này; trong đó có việc giao cho Tổng LĐLĐVN xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân lao động.

“Tổng LĐLĐVN rất quyết tâm, đưa ra các giải pháp, chính sách tháo gỡ để có thể đứng ra làm nhà ở cho công nhân…” – ông Lê Văn Nghĩa nói.

Vì sao phát triển nhà ở xã hội đạt kết quả thấp?

Phát biểu tại buổi toạ đàm, ông Tạ Việt Anh – Chủ tịch Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) – cho biết, hiện nhu cầu về nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, người thu nhập thấp đang rất lớn và cấp bách.

Tiền lương chưa đủ sống, công nhân rất khó có tích luỹ mua nhà ở. Ảnh: Minh Hương

Tuy nhiên, việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đạt kết quả rất thấp so với mục tiêu đề ra. Hiện mới đạt 5,2/12,5 triệu m2, tương đương khoảng 41,6% của “Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ kí phê duyệt ngày 30.11.2011.

Theo các diễn giả tại buổi toạ đàm, chủ đề nhà ở xã hội trở nên nóng hơn trong những năm gần đây khi tốc độ đô thị hóa, đặc biệt là các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh diễn ra ngày càng nhanh.

Riêng tại Hà Nội, ông Trần Anh Tuấn – Phó Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp và khu chế xuất Hà Nội – thông tin, Hà Nội có 10 khu công nghiệp, gần 170.000 công nhân. Các khu công nghiệp này được xây dựng, đi vào hoạt động từ rất lâu, trên dưới 20 năm nên không có quy hoạch, bố trí chỗ ở cho công nhân. Hiện Hà Nội, mới có 4 khu công nghiệp có khu nhà ở cho công nhân, tổng công suất thiết kế khoảng 22.450 chỗ chỉ đáp ứng được 13% nhu cầu của người lao động.

Về phía Hà Nội, ông Trần Anh Tuấn cho hay, khó khăn là thiếu quỹ đất, bởi các khu công nghiệp trên địa bàn được xây dựng từ rất lâu, cơ bản quỹ đất hiện không còn, trong khi các nhà đầu tư cũng không mặn mà với đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.

Ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất đã tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội ban hành quy định, bắt buộc các khu công nghiệp bố trí 2% quỹ đất để xây dựng nhà ở cho công nhân.

Chính phủ đã có quyết định giao Tổng LĐLĐVN thực hiện 50 thiết chế Công đoàn. Hiện đã có 35 tỉnh, thành giới thiệu địa điểm (quy mô 3-7 ha) cho Tổng LĐLĐVN để bố trí xây dựng nhà ở cho công nhân.


MINH HƯƠNG (Báo Lao Động)