Thông tin từ UBND tỉnh Quảng Bình cho biết Bộ VH-TT-DL vừa ban hành quyết định về việc công nhận Di tích lịch sử Khu lăng mộ và Nhà thờ Hoàng Kế Viêm ở xã Lương Ninh, huyện Quảng Ninh là Di tích Quốc gia.
Đền thờ danh thần Hoàng Kế Viêm ở làng Văn La – ảnh HOÀNG PHÚC
Quyết định nêu rõ, khu vực bảo vệ di tích được xác định theo biên bản và bản đồ khoanh vùng các khu vực bảo vệ di tích trong hồ sơ.
Bộ VH-TT-DL yêu cầu UBND các cấp nơi có di tích được xếp hạng thực hiện việc quản lý Nhà nước đối với di tích theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.
Khu lăng mộ và Nhà thờ Hoàng Kế Viêm tọa lạc trên một khu đất khá rộng, thoáng mát, cạnh Quốc lộ 1 – thuộc thôn Văn La, xã Lương Ninh, huyện Quảng Ninh – được UBND tỉnh Quảng Bình xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh vào tháng 8-2011.
Phần mộ danh tướng Hoàng Kế Viêm – ảnh HOÀNG PHÚC
Bên trong khu lăng mộ – ảnh HOÀNG PHÚC
Danh tướng Hoàng Kế Viêm (1820 – 1909) còn gọi là Hoàng Tá Viêm, tự Nhật Trường, hiệu Tùng An, quê làng Văn La, tổng Văn Đại, phủ Quảng Ninh (nay thuộc xã Lương Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình). Thân sinh Hoàng Kế Viêm là cụ Hoàng Kim Xán (1776-1832) bậc danh thần, xưa làm đến chức Thượng thư Bộ Hình qua 2 đời vua nhà Nguyễn và nổi tiếng là hiếu trung, thanh liêm, đức độ.
Khu vực cổng vào khu mộ
Danh tướng Hoàng Kế Viêm kết duyên với con gái thứ năm của vua Minh Mạng là công chúa Hương La, nhưng chẳng được bao lâu thì công chúa qua đời. Ông được tấn phong Hiệp biện Đại học sĩ và trở thành một danh tướng yêu nước, thương dân thời nhà Nguyễn. Ông giữ đến chức Thống đốc quân vụ Tiết chế Bắc Kỳ, nổi tiếng với nhiều trận đánh chống Pháp ở Hà Nội dưới thời nhà Nguyễn.
Di tích khu mộ là nơi để tưởng niệm danh tướng Hoàng Kế Viêm – một nhân vật lịch sử có vai trò quan trọng trong thời kỳ chống Pháp nửa sau thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Đồng thời cũng là nơi để giáo dục cho thế hệ trẻ truyền thống yêu nước, lòng dũng cảm, kiên cường đấu tranh bảo vệ đất nước của tổ tiên, ông cha, khơi dậy lòng tự hào về truyền thống quê hương.
Mới đây, Báo Người Lao Động từng có bài phóng sự: “Báu vật họ Hoàng ở Văn La” kể về gia tộc họ Hoàng. Trong đó có cụ Hoàng Kim Xán và con trai Hoàng Kế Viêm đã để lại cho hậu thế 2 báu vật mà gia tộc này đang sở hữu với những lời răn dạy sâu sắc của tổ tiên. Báu vật của họ Hoàng được lưu truyền đến tận ngày nay là “Hoàng thị gia huấn” và “Minh chuông”. Cháu con sau này luôn lấy làm hãnh diện, xem đó là báu vật, là linh hồn dòng tộc, thiêng liêng sống mãi trong hàng trăm năm qua.
Làng Văn La, xã Lương Ninh, huyện Quảng Ninh cũng một trong “Bát danh hương” nổi tiếng tỉnh Quảng Bình. Gia tộc họ Hoàng được người xưa ví “Việc quan họ Hoàng – việc làng họ Đỗ”, đại ý nói người họ Hoàng nhiều người đỗ đạt, làm quan to, tạo phúc cho dân chúng.