Ngồi tàu hỏa thăm Malaysia

Trước chuyến đi, tôi mua vé tàu ngay từ TP HCM thông qua mạng của Công ty Đường sắt Malaysia. Khá đơn giản! Từ TP HCM đến George Town, thủ phủ bang Penang, đương nhiên phải đi bằng máy bay rồi.

Sau hai ngày thăm thú thành phố trong danh sách Di sản thế giới của UNESCO này, tôi lên đường đến TP Ipoh. Trước tiên tôi dùng phà đến thị trấn Butterworth – phà này miễn phí, sau đó tiếp tục hành trình với tàu hỏa.

  • Thành phố thông minh không chỉ cần phần cứng

Ngồi trên tàu, bạn sẽ được ngắm nhìn những khu rừng xanh tươi và cảnh sắc nông thôn đa dạng. Tàu chạy gần những cánh đồng lúa, đồn điền bạt ngàn dầu cọ và những ngọn núi đá vôi thấp. Dọc đường còn có thể quan sát những ngôi làng Mã Lai truyền thống và người địa phương đang lao động.

Từ Butterworth đến Ipoh mất khoảng 2-3 giờ, tùy loại tàu. Lưu lại Ipoh hai ngày, tôi khám phá phố cổ của thành phố ít du khách này. Thật tuyệt vời khi đi bộ dọc theo hẻm “Người tình” (dịch thoát từ Concubine Lane).

Hẻm này là nơi mà hồi xưa tình nhân của giới thương gia giàu có trú ngụ, dần dà trở thành một địa điểm du lịch nổi tiếng với các tiệm cà phê và nhà hàng nho nhỏ. Đương nhiên, chẳng còn cô người tình thương gia nào ở đây nữa!

Con tàu hiện đại chạy trên khổ đường 1 m từ Butterworth đến Ipoh

Sau Ipoh, tôi tiếp tục ngồi tàu hỏa đến Kuala Lumpur, trọ lại một khách sạn trong khu phố Tàu. Trong ba ngày ở thủ đô của Malaysia, tôi lang thang qua các địa điểm nổi tiếng như tháp đôi Petronas, trung tâm thương mại Bukit Bintang, bảo tàng quốc gia Malaysia…

 Đương nhiên, cũng phải dành thời gian thưởng thức những món ăn đặc trưng của Kuala Lumpur như nasi lemak, roti canai, satay…

Rời Kuala Lumpur, tôi về nước. Đoạn hành trình này tôi cũng dùng tàu, lần này là tàu cao tốc từ sân ga tàu Kuala Lumpur đến sân bay Kuala Lumpur. Tàu cao tốc chạy nhanh và khá tiện lợi cho du khách để đi từ trung tâm thành phố đến sân bay.

Trên thực tế, Malaysia sở hữu một trong những hệ thống đường sắt phát triển nhất Đông Nam Á. Ngoài ghế ngồi rộng rãi và tiện nghi, điểm nổi bật của hệ thống đường sắt Malaysia là tốc độ vừa phải, an toàn, tiện lợi và tiết kiệm khi đi lại giữa các thành phố của nước này.

Tàu nhanh dùng khổ đường 1,435 m nối trung tâm Kuala Lumpur với sân bay quốc tế

Chẳng hạn, đoạn từ Ipoh đến Kuala Lumpur là dịp trải nghiệm tốc độ tối đa 160 km/giờ do tàu chỉ dừng ở những ga chính. Trong khi đó, đoạn trước tôi đi – từ Butterworth đến Ipoh – tốc độ chỉ 120-130 km/giờ do dừng lại ở nhiều ga.

Điều đáng nói là Malaysia biết tận dụng khổ đường sắt 1 m “lạc hậu” từ thời bị thực dân Anh chiếm đóng nhưng lại dùng tàu hiện đại chạy điện và thay tà vẹt gỗ bằng tà vẹt bê tông. Loại tàu này họ mua của Trung Quốc. Theo giao kèo, Trung Quốc phải chuyển giao công nghệ, sản xuất và lắp ráp tàu ngay tại Malaysia.

Nói thêm về ba nhà ga mà tôi đã trải nghiệm là Butterworth, Ipoh và Kuala Lumpur. Nhà ga Butterworth là cửa ngõ để vào đảo Penang. Từ đây có thể đi đến các thành phố khác trên đất liền của Malaysia. Nhà ga Ipoh là một trong những nhà ga đẹp nhất của Malaysia, với kiến trúc hoành tráng và nhiều chi tiết tinh xảo, cổ điển, được xây dựng từ thời thực dân Anh.

Trong khi đó, nhà ga Kuala Lumpur là trung tâm của hệ thống đường sắt Malaysia, bao gồm nhiều nhà ga khác nhau. Sentral Kuala Lumpur là nhà ga chính của các tuyến đường sắt. Đây là một trong những nhà ga lớn nhất, hiện đại nhất của Malaysia, nhiều tiện nghi và dịch vụ nhất.

Tàu leo núi ở George Town

Có thể tìm hiểu thêm về hệ thống tàu hỏa Malaysia tại trang web của Công ty Đường sắt Malaysia www.ktmb.com.my và trang blog https://railtravelstation.com/


Ngọc Trân