Những người làm hoa cho đất: Lương sư hưng quốc Võ Trường Toản

Sự nghiệp mang gươm đi mở cõi và giữ đất ở mạn Nam xứ Đàng Trong nước Đại Việt quá gian truân, vất vả từ cuối thế kỷ XVI đến suốt thế kỷ XVII, nên phải sang đến thế kỷ XVIII mới hun đúc nên được một vị thầy hiền lương, giúp cho nước được hưng thịnh. Đó là cụ Võ Trường Toản.

Lấy nghĩa lý mà giáo hóa

Chưa ai thật rõ được về lai lịch của cụ Võ Trường Toản. Uyên bác như vị tiến sĩ Nho học đầu tiên của đất Nam Kỳ là Phan Thanh Giản mà cũng chỉ mang máng viết vào văn bia thờ “Gia Định xử sĩ Sùng Đức Võ tiên sinh” – cách vua Gia Long gọi cụ Võ Trường Toản – rằng cụ là người gốc Thanh Kệ – Quảng Đức (tức huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế) hoặc Bình Dương – Gia Định (nay là TP HCM).

  • Những người làm hoa cho đất: Nguyễn Cư Trinh làm thơ và mở cõi

Tuy nhiên, nơi cụ Võ Trường Toản mở ngôi trường đầu tiên của đất Nam Kỳ và dạy cho hàng trăm học trò thì đã được nhận diện nhiều phần đích xác. Đó là ngôi trường Hòa Hưng, sau được chuyển hóa thành đình Hòa Hưng, tức đình Chí Hòa – nay tọa lạc ở trong con hẻm trên đường Cách Mạng Tháng Tám, quận 10, TP HCM.

Trường Tiểu học Võ Trường Toản trên đường Lý Thường Kiệt, quận 10

“Học trò có đến mấy trăm người” – chữ của TS Phan Thanh Giản trên văn bia cụ Võ Trường Toản vào cuối thế kỷ XVIII – đến đó theo học. Nguyên văn họ Phan viết trên văn bia: “Sở học của tiên sinh đã tới bậc dày dặn, đầy đủ, chất thật, có thuật nghiệp, thâm uyên, thông đạt”.

Với một sở học quý giá như thế, đương nhiên cụ Võ Trường Toản phải “lọt mắt xanh” của các nhà cầm quyền đương thời. Cả Tây Sơn lẫn chúa Nguyễn đều nhiều lần mời mọc, lôi kéo cụ ra làm quan nhưng cụ nhất mực từ chối, chỉ một lòng tha thiết với việc dạy học. Chúa Nguyễn Ánh, sau này thành vua Gia Long, gọi cụ bằng danh hiệu “Sùng Đức xử sĩ” (bậc sĩ phu ở ẩn với đức độ đáng sùng mộ) là vì thế.

Không chỉ toàn tâm toàn ý với việc dạy học, cụ Võ Trường Toản còn sở đắc một phương pháp giáo dục đặc biệt quý giá – so với cách dạy học của các Nho sĩ, thậm chí đã thành danh sư đương thời – là “lấy nghĩa lý mà giáo hóa”, vẫn theo lời của TS Phan Thanh Giản. Nghĩa là, cụ Võ Trường Toản không dạy học theo lối “tầm chương trích cú” (học vẹt), mà dùng trí tuệ để sáng tạo và lấy đạo đức làm nghĩa khí.

Dạy học với phương pháp và tinh thần ấy, cụ Võ Trường Toản đã trở thành người “hưng quốc”. Không chỉ vì có nhiều học trò trực tiếp mà cả giới “sĩ phu Nam Kỳ” về sau cũng đều nhờ đấy mà sở đắc phẩm chất được cụ truyền cho: Vừa có nghĩa khí vừa có trí tuệ.

“Thần thiêng nhờ bộ hạ”

Học trò của cụ Võ Trường Toản đến từ khắp nơi và gồm nhiều thế hệ. Họ là những “bộ hạ”, làm nên sự “thần thiêng” cho thầy.

Những người thành đạt trong số họ, TS Phan Thanh Giản kể tên được 6 người, gồm: Ngô Tùng Châu, Trịnh Hoài Đức, Phạm Ngọc Uẩn, Lê Quang Định, Lê Bá Phẩm, Ngô Nhân Tịnh. Hai người khác cũng được xếp vào bậc “danh sĩ” nhưng lại “ẩn dật” (giống thầy) là ông Chiêu, ông Trúc; ngoài ra không kể hết được.

  • Những người làm hoa cho đất: Xướng họa thi ca ở Chiêu Anh Các

Bình luận về các “bộ hạ” này của cụ Võ Trường Toản, TS Phan Thanh Giản viết: “Các ông ấy đều gặp hồi phong vận, thời trung hưng, triều Gia Long, đức bậc tôi hiền, có người hoặc sát thân để làm nên điều nhân hoặc quên mình để trọng tiết nghĩa, thảy đều nên công nghiệp lớn”.

Đường Võ Trường Toản trên địa bàn phường 15, quận 5, TP HCM. (Ảnh: TẤN THẠNH)

Trong đó, Ngô Tùng Châu được đánh giá là “đệ nhất môn sinh”. Được đào tạo tại “lò” Hòa Hưng của thầy Võ Trường Toản, sau đó ông theo phò chúa Nguyễn Ánh, làm đến chức Tham tri Bộ Lễ kiêm việc dạy dỗ con trai của chúa là hoàng tử Cảnh. Năm 1799, ông được cử cùng Võ Tánh trấn thủ thành Bình Định. Bị đại tướng Tây Sơn là Trần Quang Diệu đưa quân đến vây thành rất ngặt, không chống nổi, ông uống thuốc độc, cùng với Võ Tánh tự thiêu, mà chết.

Việc cố thủ thành Bình Định đã cầm chân được đại binh Tây Sơn, giúp chúa Nguyễn Ánh vòng đường biển ra chiếm được kinh thành Phú Xuân của Tây Sơn. Cho nên, khi lên ngôi vua Gia Long, Nguyễn Ánh đã truy phong ngay – vào năm 1802 – Ngô Tùng Châu làm “Tán trị công thần, đặc tiến Kim tử Vinh Lộc đại phu, Trụ quốc Thái sư, Châu quận công”.

“Tỵ địa” cả cho mộ thầy

Cụ Võ Trường Toản mất ngày 9 tháng 6 năm Nhâm Tý (27-7-1792). Các môn sinh an táng thầy ngay ở nơi cụ dạy học, với danh hiệu được chúa Nguyễn Ánh ban tặng “Gia Định xử sĩ Sùng Đức Võ tiên sinh”.

Tương truyền, chúa Nguyễn Ánh – sau là vua Gia Long còn làm cả đôi liễn tưởng niệm gửi đến: “Sinh tiền giáo huấn đắc nhân, vô tử nhi hữu tử/ Một hậu thịnh danh tại thế, tuy vong giả bất vong” (Lúc sống dạy dỗ được người, không con mà như có/ Khi mất, tiếng tăm còn để, thân tan danh vẫn còn).

  • Những người giữ đất: Nguyễn Hữu Huân và ba lần khởi nghĩa

Đến thời người Pháp đánh chiếm 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ (năm 1862), mộ cụ Võ Trường Toản nằm trong vùng bị giặc chiếm giữ. Với phong trào “Tỵ địa” (bỏ đất mà đi khỏi nơi đã mất vào tay giặc), TS Phan Thanh Giản, đốc học Vĩnh Long Nguyễn Thông, hiệp trấn An Giang Phạm Hữu Chánh cùng nhiều sĩ phu đương thời đã tổ chức di dời mộ cụ Võ Trường Toản – cùng với vợ và con gái (đã mất từ nhỏ) trước đấy – về vùng Bảo Thạnh (huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre ngày nay) vào năm 1865. Họ không để cụ phải “ở chung với bọn giặc ngoại bang xâm lược”.

Trong lễ cải táng di hài cụ Võ Trường Toản ở Bảo Thạnh ngày 28 tháng 3 năm Đinh Mão (1867), đốc học Nguyễn Thông đã thay mặt các học trò và nho sĩ trong miền làm chủ lễ rất trọng thể.

TS Phan Thanh Giản – lúc đó là mệnh quan triều đình Huế, được biệt phái vào Nam lo liệu việc đối phó với người Pháp – cũng đã cẩn trọng viết một bài văn bia, dự định khắc đá đặt bên ngôi mộ “tỵ địa” của cụ Võ Trường Toản. Tuy nhiên, chỉ 4 tháng sau, khi người Pháp tiếp tục tấn công, đánh chiếm nốt 3 tỉnh miền Tây Nam Kỳ, họ Phan đã nhận trách nhiệm để mất đất, uống thuốc độc tự tử.

Thành ra, mãi đến năm Nhâm Thân (1872), tấm bia TS Phan Thanh Giản viết về cụ Võ Trường Toản mới được dựng. Đến nay, bên ngôi mộ “tỵ địa” của vị “Lương sư hưng quốc” họ Võ vẫn chính là tấm bia có những câu văn bia quan trọng được trích dẫn ở trên.

“Gia Định xử sĩ Sùng Đức Võ tiên sinh” cùng các học trò và những người chịu ảnh hưởng của cụ ở các thế kỷ XVIII, XIX đã sống, chết và tư duy – hành động, làm hoa cho đất phương Nam là như vậy đấy.

“Tri ngôn dưỡng khí”

Một câu giảng sách “Đại học” (trong “Tứ thư” – bộ sách giáo khoa kinh điển Nho học) của cụ Võ Trường Toản đến nay vẫn được đánh giá là đúng phương pháp “Tri ngôn dưỡng khí” (hiểu nghĩa lý mà nuôi khí phách). Nguyên văn như sau: “Sách “Đại học” một ngàn bảy trăm chữ, tán ra gồm vô số sự vật, tóm lại chỉ còn 200 chữ, tóm nữa chỉ còn một chữ, tóm lại nữa thì một chữ cũng không”!

Trong bài phú “Hoài cổ” – tác phẩm văn chương duy nhất của cụ Võ Trường Toản còn sót lại đến nay – cũng có câu: “Thân dữ cô vân trường luyến tụ/Tâm đồng cổ tỉnh bất sinh lan” (“Đời như đám mây lẻ, ngừng mãi trong không gian/Lòng như giếng nước xưa, không bao giờ gợn sóng”).


Nhà sử học Lê Văn Lan