Chương trình là một phần trong ngày hội STEM năm học 2022-2023 dành cho học sinh tiểu học, THCS trên địa bàn TP Thủ Đức do UBND TP Thủ Đức phối hợp cùng KDI Education tổ chức, sáng 20-5. Ngày hội thu hút hơn 700 học sinh và giáo viên từ 111 trường tham dự.
Tại ngày hội, PGS. TS Bùi Văn Hồng, Viện trưởng Viện Sư phạm Kỹ thuật, Tổng Chủ biên SGK môn công nghệ đã nói rõ hơn về giáo dục STEM, khái niệm dường như nhiều người biết nhưng không phải ai cũng có thể hiểu và nắm bắt cụ thể, cũng như cách thức triển khai giáo dục STEM trong các cơ sở giáo dục hiện nay ra sao? Ưu và nhược điểm thế nào?…
Gần 1.000 học sinh TP Thủ Đức tham dự ngày hội
học sinh lần lượt trải nghiệm các hoạt động STEM thú vị như điều khiển robot, sáng chế mô hình
Theo GS. TSKH Đỗ Đức Thái, thành viên Ban Phát triển chương trình GDPT tổng thể, Chủ biên Chương trình môn toán, giáo dục STEM là phương thức giáo dục tích hợp theo cách tiếp cận liên môn (interdisciplinary) và thông qua thực hành, ứng dụng. Thay vì dạy bốn môn học như các đối tượng tách biệt và rời rạc, STEM kết hợp chúng thành một mô hình học tập gắn kết dựa trên các ứng dụng thực tế. Trong mỗi bài học theo chủ đề STEM, học sinh được đặt trước một tình huống có vấn đề thực tiễn cần giải quyết liên quan đến các kiến thức khoa học. Để giải quyết vấn đề đó, học sinh phải tìm tòi, nghiên cứu những kiến thức thuộc các môn học có liên quan và sử dụng chúng để giải quyết vấn đề đặt ra với tinh thần sáng tạo.
Ông Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên, Trưởng phòng GD-ĐT TP Thủ Đức, cho biết Ngày hội STEM là một hoạt động thường niên mà phòng GD-ĐT sẽ tiếp tục duy trì, đẩy mạnh. Thông qua ngày hội, học sinh được tiếp cận gần hơn với các dự án STEM, trải nghiệm các hoạt động khoa học, kỹ thuật, từ đó nuôi dưỡng tinh thần đổi mới sáng tạo và phát triển bản thân. Ngày hội cũng là sân chơi để các trường học trên địa bàn thành phố có cơ hội học tập, chia sẻ kinh nghiệm triển khai giáo dục STEM một cách hiệu quả.