Tuổi thơ dữ dội của “cô gái vàng” môn lặn SEA Games 32

SEA Games 32 đã kết thúc với thành công ngoài mong đợi khi Đoàn thể thao Việt Nam giành vị trí nhất toàn đoàn với 136 huy chương vàng (HCV); 105 huy chương bạc (HCB) và 114 huy chương đồng (HCĐ). Riêng đoàn thể thao tỉnh Thanh Hóa giành được 17 huy chương các loại, trong đó có 7 HCV.

VĐV Cao Thị Duyên cùng HLV Phạm Tuấn Anh

“Cô gái vàng” của xứ Mường

Trong tổng số 17 huy chương mà các vận động viên (VĐV) tỉnh Thanh Hóa đoạt được, VĐV Cao Thị Duyên (SN 2001; ngụ thôn Quý Tân, xã Cẩm Quý, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa) đã góp tới 5 huy chương, trong đó có 3 tấm HCV, 2 HCB, phá 2 kỷ lục SEA Games 32.

  • Cú poker cho “bông hồng thép” điền kinh Nguyễn Thị Oanh

Mặc dù là một trong những VĐV tiêu biểu mang vinh quang về cho tổ quốc, nhưng ít ai biết rằng, Duyên cũng có một tuổi thơ vô cùng vất vả, khi bố làm “phu đá”, mẹ ngày ngày đan cót để mưu sinh.

Tìm về thôn Quý Tân, chúng tôi khá bất ngờ với gia cảnh của Cao Thị Duyên khi chị sống cùng bố mẹ và gia đình anh trai trong một căn nhà cấp 4 rộng khoảng hơn 30 m2, với những bức tường bằng đá, lẫn gạch, lợp ngói đã ngã màu theo thời gian, tựa lưng vào lưng chừng đồi.

Trong căn nhà nhỏ, ngó quanh chẳng có thứ gì đáng giá ngoài những tấm bằng khen, những chiếc huy chương đủ màu sắc được treo dày đặc trên tường.

Căn nhà đơn sơ của gia đình VĐV Cao Thị Duyên ở xã Cẩm Quý, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa

Ông Cao Văn Kỷ (SN 1978), bố của VĐV Cao Thị Duyên, cho biết gia đình, dòng họ rất tự hào về Duyên. Tuy nhiên, kỳ SEA Games 32 ông không thể tin con gái của mình giành được tới 5 chiếc huy chương, phá 2 kỷ lục SEA Games. “Gia đình tôi khá bất ngờ, bởi trong dịp con gái tranh tài tại Campuchia, có ông bác ruột mất. Người Mường chúng tôi quan niệm khi họ hàng có người mất không mở đài, tivi, thành thử gia đình không được xem, cập nhật thành tích của con mà nghe qua làng xóm, người thân”- ông Kỷ chia sẻ.

Cũng theo ông Kỷ, dù vợ chồng ông và mẹ anh (bà nội Duyên) rất vui, nhưng không gọi điện vì sợ con phân tâm. “Sau khi thi xong các nội dung, HLV Phạm Tuấn Anh và Duyên gọi điện thông báo, cả nhà mới biết cháu đã giành 3 HCV, 2 HCB. Cả nhà vui và tự hào lắm”- ông Kỷ hồ hởi.

Những tâm bằng khen, huy chương các loại được treo trên bức tường đá của gia đình VĐV Cao Thị Duyên

Mẹ của Cao Thị Duyên là bà Cao Thị Quang (SN 1980) xúc động khi kể về con đường đến với vinh quang của con gái. Theo bà Quang, Duyên có năng khiếu bơi lội từ nhỏ nên khi mới 10 tuổi, cháu đã phải xa gia đình xuống TP Thanh Hóa (cách nhà hơn 100 km) để luyện bơi. “Khi đó cháu nó mới học lớp 4, phải một thân một mình vợ chồng tôi thương lắm, chẳng nỡ xa con, nhưng thấy con đam mê, dù vất vả gia đình cũng cố gắng để mong con có thể đổi đời, không số ở quê khổ lắm”- bà Quang cho hay.

  • Ngày của thể thao Olympic Việt Nam

Ngày con quyết tâm “xuống phố”, vợ chồng ông Kỷ và Quang nỗ lực làm việc không ngưng nghỉ. Đời “phu đá” cơ cực, nay cheo leo ở ngọn núi này, mai ngọn núi kia, hễ ai gọi là ông lại lên đường. Còn bà Quang ngày ngày tranh thủ đan cót, phụ giúp việc nhà và cấy vài sào ruộng.

Mặc dù cuộc sống vất vả, nhưng suốt 12 năm con theo nghiệp bơi lội, gia đình ông Kỷ không lúc nào để Duyên phải buồn lòng, luôn là điểm tựa để con mình nghị lực vươn lên thi đấu đỉnh cao, mang vinh quang về cho đất nước, gia đình, dòng họ.

Ông Cao Văn Kỷ, bà Cao Thị Quang, bố mẹ của VĐV Cao Thị Duyên bên những chiếc huy chương và bằng khen của con gái

Ngã rẽ bất ngờ

Năm 2011, Cao Thị Duyên được các nhà tuyển trạch thể thao Thanh Hóa phát hiện, đào tạo để trở thành VĐV bơi lội chuyên nghiệp. Ngoài Duyên, tại xã Cẩm Quý cũng có 5 em, thế nhưng chỉ còn mỗi Duyên trụ được với môn bơi.

HLV Phạm Tuấn Anh, người trực tiếp huấn luyện Cao Thị Duyên từ năm 2015, cho biết ban đầu cô gái quê Cẩm Thủy được lựa chọn, đào tạo môn bơi. Trong quá trình tập luyện, Duyên phát hiện bị bệnh mãn tính, khó có khả năng phát triển.

  • Tấm HCV danh giá của karate Việt Nam

Thông thường, những VĐV như thế sẽ được khuyên trở về gia đình, tiếp tục theo học văn hóa, lựa chọn con đường khác. Tuy nhiên, thấy Duyên có năng khiếu, HLV Phạm Tuấn Anh đã chuyển Cao Thị Duyên sang môn lặn, bởi giữa môn bơi và lặn có nhiều điểm chung nên việc chuyển môn không gặp nhiều khó khăn.

Bà nội của VĐV Cao Thị Duyên

Việc chuyển môn thi đấu là một quyết định đúng đắn, bơi ngay trong năm đầu tiên (2015) chuyển sang thi đấu môn lặn, Cao Thị Duyên đã giành 2 HCV, phá 2 kỷ lục quốc gia tại giải vô địch các nhóm tuổi. Một năm sau, Duyên đoạt HCV giải vô địch trẻ quốc gia. Năm 2017, ở tuổi 16, Duyên đoạt 3 HCV, phá 1 kỷ lục tại giải vô địch quốc gia; đồng thời giành 2 HCV giải vô địch trẻ Châu Á.

Tại Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc năm 2018, Duyên giành 1 HCV, 2 HCB, phá 1 kỷ lục đại hội. Các năm 2020 và 2021, Cao Thị Duyên giữ vừng thành tích đoạt 2 HCV giải vô địch quốc gia môn lặn.

Đặc biệt, trong năm 2022, Cao Thị Duyên đã giành 2 HCV SEA Games 31, 3 HCV, 3 HCB tại Đại hội thể dục thể thao toàn quốc, phá 2 kỷ lục đại hội.

Dù công việc cơ cực, vất vả nhưng gia đình luôn là điểm tựa để VĐV Cao Thị Duyên vươn lên, trở thành niềm tự hào cho gia đình, dòng họ và thể thao nước nhà

Tại SEA Games 32, Cao Thị Duyên 22 tuổi, giành 3 HCV bộ môn lặn ở các nội dung: 4×200 m vòi hơi chân vịt tiếp sức nữ, 4x100m vòi hơi chân vịt tiếp sức nữ, 100 m chân vịt đôi nữ; giành 2 HCB ở các nội dung: 50 m cá nhân vòi hơi chân vịt nữ và 4×50 m tiếp sức hỗn hợp. Đây là thành tích cao nhất, một kỷ lục của thể thao Thanh Hóa mà 1 VĐV giành được tại 1 kỳ SEA Games.


Bài-ảnh: Tuấn Minh