Đất Đồng Khởi ngày ấy – bây giờ…

Ngày 17-1-1960, tiếng súng diệt tên ác ôn Đội Tý – Chỉ huy Tổng đoàn dân vệ tại xã Định Thủy, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre – nổ ra, mở màn cho cuộc Đồng Khởi lịch sử. 

Nữ tướng Nguyễn Thị Định (1920-1992), lúc đó là Phó Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, đã trực tiếp chỉ đạo phong trào Đồng Khởi với hàng chục ngàn người dân xuống đường, vũ trang, giáo mác, nổi trống mõ, diệt ác ôn, chiếm đồn địch…

Ký ức hào hùng về “đội quân tóc dài”

Cuộc khởi nghĩa ở xã Định Thủy thắng lợi đã lan rộng ra các xã Bình Khánh, Phước Hiệp (thuộc huyện Mỏ Cày Nam ngày nay), sau đó lan ra toàn tỉnh Bến Tre và cả miền Nam.

Khi đó, Đảng bộ Bến Tre chỉ có 18 chi bộ với 162 đảng viên đã vượt qua khó khăn, mạnh dạn phát động phong trào Đồng Khởi giành thắng lợi vang dội. Cuộc Đồng Khởi ở Bến Tre kết thúc thắng lợi đã đi vào lịch sử như ngọn cờ đầu chuyển cách mạng miền Nam từ đấu tranh chính trị sang đấu tranh chính trị kết hợp đấu tranh vũ trang, đánh dấu bước ngoặt lịch sử của cách mạng miền Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Đường vào xã Định Thủy được mở rộng khang trang. Ảnh: LƯƠNG PHÚC

Sau phong trào Đồng Khởi năm 1960, “đội quân tóc dài” do nữ tướng Nguyễn Thị Định lãnh đạo được tổ chức thành đội ngũ chặt chẽ, có lãnh đạo, chỉ huy đầy đủ và có kinh nghiệm đấu tranh. Lúc này, tổ chức Hội Phụ nữ tại tỉnh Bến Tre có khả năng huy động cùng lúc hàng ngàn chị em trong thời gian một ngày và bảo đảm lương thực, thực phẩm cho đấu tranh liên tục 5 – 10 ngày, có khả năng hiệp đồng tiến công trên diện rộng.

“Đội quân tóc dài” đã phối hợp chặt chẽ giữa ba mũi tiến công chính trị, vũ trang và binh vận để tạo thành sức mạnh tổng hợp, từng bước giành thắng lợi. Trong ba mũi tiến công, phụ nữ giữ hai mũi nhọn trọng yếu là tiến công chính trị và binh vận.

Không chỉ đấu tranh chính trị, “đội quân tóc dài” còn trực tiếp cầm súng chiến đấu. Đến cuối năm 1961, nữ du kích xã, ấp ở Bến Tre đã lên đến 3.086 người – chiếm 1/9 số nữ du kích toàn miền Nam lúc bấy giờ.

Nhiều đội nữ du kích đã độc lập tác chiến hiệu quả. So với nam giới, chị em có ưu thế hơn ở chỗ tổ chức đánh địch ngay tại mặt trận mà vẫn giữ được thế sống hợp pháp trong vùng kiểm soát, nhất là các đội biệt động.

Năm 1964, đơn vị vũ trang nữ đầu tiên, từ đội viên đến việc tổ chức, chỉ huy đều do phụ nữ đảm nhiệm, mang phiên hiệu C710 ra đời. Đây là lực lượng bộ đội nữ đầu tiên của chiến trường Khu 8, Quân khu 9.

Sau ngày miền Nam giải phóng, xã Định Thủy đối mặt với cảnh nghèo khó, kinh tế kém phát triển. Nguyên Chủ tịch UBND xã Định Thủy Trịnh Minh Nhựt nhớ lại: “Định Thủy hứng chịu rất nhiều bom đạn trong kháng chiến, người dân phải tản cư để lánh nạn. Sau ngày hòa bình, người dân mới trở về xây dựng nhà cửa, làm ăn sinh sống”.

Thoát cảnh nghèo khó

Những năm gần đây, kinh tế hợp tác trên địa bàn xã Định Thủy ngày càng phát triển. Hiện tại, HTX Nông nghiệp Định Thủy có 137 thành viên, sản xuất 500 ha dừa, trong đó có 144 ha dừa hữu cơ. HTX thu mua dừa của xã viên rồi gia công cơm dừa cung ứng cho công ty chuyên sản xuất các sản phẩm từ dừa; phần vỏ sản xuất mụn dừa, chỉ xơ dừa.

HTX Nông nghiệp Định Thủy giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Ảnh: LƯƠNG PHÚC

Ông Trần Văn Đạt, Giám đốc HTX Nông nghiệp Định Thủy, cho biết: “HTX thành lập năm 2019, được Liên minh HTX Trung ương hỗ trợ máy đánh chỉ xơ dừa trị giá 500 triệu đồng để tách lấy mụn dừa cung ứng cho các cơ sở làm cây giống, phân bón; phần chỉ cung ứng cho các cơ sở sản xuất lưới, thảm chỉ xơ dừa. Trung bình mỗi ngày, HTX tiêu thụ khoảng 14.000 quả dừa, tạo việc làm cho 70 lao động địa phương”.

Ông Trần Văn Luông – ngụ ấp Định Nhơn, xã Định Thủy – đã có cuộc sống ổn định với nghề trồng dừa. Ông là xã viên HTX Nông nghiệp Định Thủy, trồng dừa hữu cơ ký hợp đồng bao tiêu đầu vào, đầu ra với doanh nghiệp nên rất ổn định.

“Gia đình tôi canh tác 1 ha dừa, trung bình mỗi tháng thu hoạch khoảng 1.200 trái, có công ty bao tiêu nên giá lúc nào cũng cao hơn thị trường 5.000 – 10.000 đồng/chục (12 trái). Bây giờ giao thông nông thôn phát triển, xe chạy tới tận nhà vận chuyển nông sản rất thuận tiện, người dân làm ăn ngày càng khấm khá” – ông Luông nhận xét.

Từ nghèo khó, đến nay xã Định Thủy đã xây dựng thành công xã nông thôn mới (NTM), là một trong 2 xã NTM kiểu mẫu của tỉnh Bến Tre. Ông Nguyễn Văn Rồi, Bí thư Đảng ủy xã Định Thủy, cho biết: “Những năm gần đây, kinh tế của địa phương có bước phát triển khá. Hiện toàn xã có 159 cơ sở chuyên gia công các mặt hàng dừa, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động; thương mại, dịch vụ ngày càng phát triển. Đối với kinh tế tập thể, toàn xã có 9 tổ hợp tác và 2 HTX, có hợp đồng đầu vào, đầu ra đối với các sản phẩm nông nghiệp. Thế mạnh kinh tế nông nghiệp của xã là từ cây dừa với gần 1.200 ha, trong đó 144 ha là dừa hữu cơ. Năm 2023, Định Thủy đã hoàn thành các chỉ tiêu để được công nhận xã NTM kiểu mẫu. Đến năm 2025, xã sẽ đạt 200 ha dừa hữu cơ”.

Theo Bí thư Huyện ủy Mỏ Cày Nam Hà Quốc Cường, thời gian gần đây, kinh tế xã Định Thủy nói riêng và huyện Mỏ Cày Nam nói chung đều phát triển khá, có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều mô hình sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao được xây dựng, nhân rộng; mô hình liên kết sản xuất – chế biến – tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp từng bước được hình thành và phát triển; sản xuất nông nghiệp theo hướng chất lượng, an toàn, truy xuất nguồn gốc được tập trung thực hiện, bước đầu hình thành các vùng sản xuất tập trung, chú trọng sản phẩm sạch…

Đến nay, Mỏ Cày Nam có 60 tổ hợp tác và 16 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó, 8 HTX hoạt động bước đầu đạt hiệu quả, có liên kết với doanh nghiệp; 20 tổ hợp tác và 2 HTX được cấp giấy chứng nhận VietGAP.

Con đường từ trung tâm huyện Mỏ Cày Nam vào xã Định Thủy giờ được mở rộng, trải nhựa phẳng phiu. Hai bên đường, nhiều cơ sở chế biến dừa mọc lên để sơ chế, cung ứng cho các doanh nghiệp. Vùng đất anh hùng đang thay đổi từng ngày để hòa vào sự phát triển chung của đất nước. 

Nhiều phần thưởng cao quý

Nữ tướng Nguyễn Thị Định (người dân quen gọi là cô Ba Định) sinh ngày 13-2-1920, là con út trong gia đình giàu truyền thống cách mạng ở xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Khi tròn 16 tuổi, bà giác ngộ và bắt đầu tham gia cách mạng, đảm nhận nhiệm vụ giao liên, rải truyền đơn và vận động quần chúng đấu tranh. Tháng 10-1938, bà được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam).

Chân dung nữ tướng Nguyễn Thị Định. Ảnh: TƯ LIỆU

Năm 1946, bà Nguyễn Thị Định là thành viên nữ duy nhất trong đoàn cán bộ của Khu 8 vượt biển ra Bắc, gặp Trung ương để báo cáo tình hình cách mạng miền Nam và xin chi viện vũ khí. Bằng sự quả cảm, trí thông minh, bà đã khéo léo vượt trùng dương, đưa 12 tấn vũ khí từ miền Bắc vào tận chiến trường Nam Bộ. Đây là tiền đề để Trung ương nghiên cứu, đánh giá, đi tới quyết định thành lập tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển huyền thoại, tiền thân của những đoàn tàu không số sau này.

Những năm 1960, tên tuổi cô Ba Định gắn liền cùng phong trào Đồng Khởi Bến Tre, với “đội quân tóc dài” làm cho quân địch khiếp sợ. Đến năm 1974, bà được phong hàm Thiếu tướng và trở thành nữ tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Sau khi miền Nam được giải phóng, non sông thống nhất, bà đảm đương nhiều vị trí, chức vụ quan trọng trong bộ máy nhà nước.

Nữ tướng Nguyễn Thị Định đã được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công hạng nhất, Giải thưởng Hòa bình quốc tế Lênin, danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân…


LƯƠNG PHÚC – CÔNG TUẤN