Khánh Tuấn, Võ Minh Lâm, Phương Nga tạo ấn tượng mạnh trong đêm tranh tài Trần Hữu Trang

NS Khánh Tuấn được kép độc NSƯT Hùng Minh yểm trợ dàn dựng trích đoạn “Tướng cướp Bạch Hải Đường”, để dự thi năm nay

Tối 19-10, tại Nhà hát Trần Hữu Trang, vòng chung kết 3 của Cuộc thi Tài năng diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang năm 2022 đã diễn ra sôi nổi, thu hút đông khán giả, nghệ sĩ (NS) đến tham dự.

NSƯT Nguyễn Thị Thanh Thúy (bìa phải) – Phó Giám Sở Văn hóa -Thể thao TP HCM tặng hoa chúc mừng 5 thí sinh đã hoàn thành phần thi trong đêm chung kết 3

NS Khánh Tuấn với vai diễn Cang trong trích đoạn “Tướng cướp Bạch Hải Đường” (tác giả Nguyễn Huỳnh) đã được chính con rể của ông là NSƯT Hùng Minh dàn dựng. Thuộc thế hệ vàng đã từng đoạt HCV giải Thanh Tâm, sau này NSƯT Hùng Minh chuyên trị những vai kép độc trên sân khấu cải lương, ông có nhiều kinh nghiệm để hướng dẫn NS Khánh Tuấn hóa thân vào các vai kép độc.

NS Khánh Tuấn (phải) và NSƯT Tâm Tâm trong trích đoạn “Tướng cướp Bạch Hải Đường”

Câu chuyện về nhân vật Cang nghiện ngập, hành hạ Nhung – vợ của Bạch Hải Đường – khi cô này bỏ chồng con chạy theo hắn gần như được khán giả mê sân khấu đều biết, nhưng được nghệ sĩ Khánh Tuấn hóa thân rất sinh động. tiết chế, giảm độ ồn ào vốn là căn bệnh quen thuộc của một số nghệ sĩ khi diễn vai kép độc. “Đâu phải cứ hét lớn, cười to, làm hùng hổ thì ra kép độc, NS Khánh Tuấn đã nghiên cứu thật kỹ để diễn vai Cang bằng tâm thế của sự đổi mới trong diễn xuất” – NSƯT Hùng Minh nhận xét.

NS Võ Minh Lâm trong trích đoạn “Chuyện tình Khau Vai”

NS Võ Minh Lâm chọn vai diễn Cố sầu trong trích đoạn “Chuyện tình Khau Vai” (vở đã từng được bạn đọc báo Người Lao Động bầu chọn giải Mai Vàng năm 2019) dự thi với hạng mục kép mùi. Thế nhưng, trong cách ca diễn và thể hiện tính cách, có một chút pha độc khiến nhân vật Cố sầu điên tiết, giận dữ trước sự phản kháng của ba bà Mo – đại diện cho dân làng chống lại kẻ nắm quyền bị quỷ dữ cướp mất trái tim nhân ái. Võ Minh Lâm đã chứng tỏ bản lĩnh trong ca diễn, nhờ có thể hình đẹp, anh đã tận dụng nó để làm nên sức mạnh của Cố sầu. Nhưng điểm độc đáo hơn là cách thể hiện tinh thần yếu đuối khi mọi người ngày càng xa lắng mình, nhất là nàng Út – người anh yêu thương. Võ Minh Lâm có được sự yểm trợ đắc lực của các NS Vân Hà, Tú Sương, Cao Mỹ Châu (vai ba bà Mo) và Lê Hồng Thắm (vai nàng Út), đã mang đến cuộc thi một bức tranh rất đẹp qua dàn dựng của NSND Triệu Trung Kiên.

NS Phương Nga được sự yểm trợ của NS Nguyễn Quang Thuận dự thi với trích đoạn “Đêm cuối cùng của danh nhân”

Là diễn viên phía Bắc duy nhất vào vòng chung kết, NS Phương Nga (Nhà hát Cải lương Hà Nội) đã mang lại nét sang trọng trong ca diễn, phong cách cải lương phương Bắc lịch lãm với nhân vật Thị Lộ trong trích đoạn “Đêm cuối cùng của danh nhân” (Trích từ vở cải lương “Vằng vặc ánh sao Khuê” – Tác giả: Lưu Quang Hà – Lê Chức – Dàn dựng NSUT Lê Chức). Phương Nga chiếm cảm tình của khán giả vì nét diễn xuất phản ảnh nội tâm đang giằng xé trước nỗi đau ba họ đã vì Thị Lộ mà bị họa diệt vong. Ở lớp diễn hồi tưởng gặp lại Nguyễn Trãi, cô diễn xuất rất tươi tắn, nhanh chóng mang lại khoảnh khắc trữ tình dù trước đó là sự bi lụy. Điều này cho thấy diễn xuất bản lĩnh, làm chủ sàn diễn và tạo được sự đồng cảm với người xem mà không thấy vội vã, vụn vặt.

Diễn viên Mỹ Hạnh dự thi với trích đoạn: “Một thời để nhớ”

Đêm chung kết 3 còn có sự tranh tài của hai diễn viên: Nguyễn Thị Bích Hạnh (NSMỹ Hạnh) – đơn vị: Nhà hát Tây Đô – hạng mục đăng ký dự thi: đào mụ với trích đoạn: “Một thời để nhớ” (tác giả: Quốc Khánh – dàn dựng: đạo diễn Kiều Nga) trong vai diễn má Sáu và diễn viên Nguyễn Quốc Nhựt (nghệ danh Nhật Nguyên) – đơn vị: Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang – hạng mục đăng ký dự thi kép mùi với trích đoạn “Cạn dòng thương nhớ” (tác giả: Trần Vũ Thiên Lương – dàn dựng Vũ Trần) vai diễn dự thi: Dũng.

MC Vũ Mạnh Cường và diễn viên Nhật Nguyên trong phần thi trả lời câu hỏi của hội đồng báo chí – Diễn viên Nhật Nguyên dự thi kép mùi với trích đoạn “Cạn dòng thương nhớ”.


Bài và ảnh: Thanh Hiệp