Cuối năm 2022, nhiều doanh nghiệp cắt giảm lao động, thế nhưng cũng có không ít doanh nghiệp tìm cách giữ chân người lao động. Trước hiện tượng này, phóng viên Báo Người Lao Động đã phỏng vấn ông Chương Nguyễn, Giám đốc Toàn quốc, Dịch vụ Tuyển dụng Cấp cao và Tư vấn nhân sự ManpowerGroup Việt Nam về thị trường lao động năm 2023.
Ông Chương Nguyễn, Giám đốc Toàn quốc, Dịch vụ Tuyển dụng Cấp cao và Tư vấn nhân sự ManpowerGroup Việt Nam
Phóng viên: Ông nhận định thế nào về thị trường lao động năm 2023?
Ông Chương Nguyễn: Với nhóm lao động phổ thông, cú sốc về cắt giảm lao động đột ngột ở nhiều ngành nghề trên cả nước giai đoạn cuối năm 2022 do không đủ đơn hàng, năm 2023 được kỳ vọng là các vấn đề biến động kinh tế – xã hội được kiểm soát, sức tiêu dùng tăng trở lại và giúp tăng nhiệt cho thị trường lao động phổ thông trong nước.
Ngành tiêu dùng hy vọng được phục hồi trong năm 2023
Với nhóm lao động kỹ năng/tay nghề cao: đây là nhóm nhân lực có khuynh hướng gắn bó với tổ chức lâu hơn so với lao động phổ thông. Dù thị trường không thiếu lao động có kỹ năng, nhưng các kỹ năng phù hợp với xu hướng số hóa sau đại dịch và có kỹ năng mềm phù hợp (như kỹ năng giao tiếp cấp cao, kỹ năng lãnh đạo…) luôn được săn tìm. Nhà tuyển dụng không ngần ngại trả các gói lương và phúc lợi cao để thu hút được nhóm nhân lực này.
Nhóm ngành có xu thế tuyển dụng nhân sự quản lý cao trong năm 2023 là lĩnh vực công nghệ (Công nghệ giáo dục – edtech, Công nghệ tài chính – fintech và Giải pháp công nghệ phục vụ hoạt động marketing – martech), ngân hàng, ngành hàng điện tử tiêu dùng và bán lẻ.
Lao động ngành công nghệ cao bị sa thải nhiều nhưng cũng nhanh chóng tìm được việc mới
Tuy nhiên, không nằm ngoài xu hướng sa thải số lượng lớn từ ngành công nghệ, các lao động này cũng thuộc nhóm nhỏ bị ảnh hưởng trực tiếp từ việc các công ty mẹ cắt giảm nhân sự. Dù vậy, với kỹ năng và sự cạnh tranh về kinh nghiệm của mình trong quá trình tích lũy kinh nghiệm làm việc xuyên quốc gia, họ cũng nhanh chóng tìm được việc làm mới dù có thể không đạt được mức lương thưởng cao như mong đợi, do thị trường được cầu đẩy lên cao trong các năm dịch.
Bên cạnh mức lương, danh tiếng nơi làm việc, lao động trẻ hiện nay quan tâm nhất điều gì?
– Lao động trẻ thế hệ Y (SN 1980-1999) hiện chiếm khoảng 25% lực lượng lao động Việt Nam (theo báo cáo Tổng Chỉ số lao động Việt Nam 2022 – Total Workforce Index 2022). Bên cạnh đó, lao động thế hệ Z đang dần xuất hiện ngày càng nhiều và đóng vai trò quan trọng ở các doanh nghiệp.
Lao động trẻ rất coi trọng môi trường làm việc
Lao động trẻ có những mối quan tâm và ưu tiên khác so với những thế hệ trước. Họ coi trọng vấn đề môi trường làm việc và những trải nghiệm, cơ hội học tập sẽ có khi tiếp nhận công việc mới. Họ muốn được thể hiện quan điểm, lắng nghe và được tôn trọng, ghi nhận. Việc cấp quản lý và đồng nghiệp như thế nào với họ quan trọng hơn nhiều việc một nơi làm việc ổn định.
Lao động trẻ hiện nay không chỉ thích doanh nghiệp danh tiếng mà còn có chế độ chăm sóc tốt
Nhiều lao động gen Z có xu hướng tìm kiếm việc làm theo xu thế freelancer (làm việc tự do) không gắn bó dài hạn với một tổ chức cụ thể mà có thể nhận nhiều công việc trong cùng một thời điểm. Song song đó, sự tiếp tục của làm việc xuyên biên giới khi lao động trẻ Việt Nam ngày càng tiến bộ về ngôn ngữ và thích nghi cao với cách thức làm việc chuyên nghiệp của các quốc gia phát triển hơn. Lợi thế cạnh tranh về chi phí lao động và linh hoạt trong các chi trả công giúp lao động trẻ Việt Nam hưởng lợi từ những cơ hội việc làm từ xa này.
Trong năm 2023, các doanh nghiệp làm gì để có nguồn lao động giỏi cũng như giữ chân họ?
Để tăng cường thu hút và giữ chân người lao động, bên cạnh yếu tố về lương, doanh nghiệp cũng cần quan tâm đến những đãi ngộ khác ví dụ như: thêm số ngày nghỉ phép có lương, môi trường làm việc, chế độ chăm sóc sức khỏe, cơ hội học tập và nâng cao kỹ năng, văn hóa doanh nghiệp… Theo các báo cáo nội bộ của ManpowerGroup Việt Nam, đây chính là những phúc lợi được người lao động không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới ngày càng quan tâm và cân nhắc khi quyết định gắn bó với một công ty.
Ngoài ra, người lao động ngày càng quan tâm đến các chế độ làm việc linh hoạt – một xu hướng đã xuất hiện kể từ đại dịch. Những công ty xây dựng chế độ làm việc đề cao sự chủ động, linh hoạt và thoải mái cho nhân viên. Ví dụ cho phép làm việc từ xa 2-3 ngày/tuần sẽ tăng sự hài lòng và gắn kết của nhân viên.
Các hoạt động tập thể sẽ giúp gắn kết người lao động đồng thời giúp họ gắn bó với doanh nghiệp
Việc xây dựng một văn hóa doanh nghiệp mạnh, đề cao những giá trị bền vững, hướng về cộng đồng sẽ góp phần xây dựng giá trị thương hiệu cho nhà tuyển dụng và giúp họ dễ dàng hơn khi cạnh tranh với các nhà tuyển dụng khác và thu hút được lao động giỏi.
Lao động nói chung cần môi trường để phát triển. Một doanh nghiệp cho phép nhân viên sáng tạo, đề xuất, trao cho họ cơ hội học tập và phát triển đồng thời ghi nhận, khen ngợi đúng lúc đúng chỗ sẽ giúp giữ chân người tài.
Người lao động trẻ rất thích môi trường làm việc năng động, sáng tạo
Cuối cùng và không kém phần quan trọng, cơ hội được tương tác và làm viêc cùng các đồng nghiệp nước ngoài từ các tập đoàn lớn cũng như tiếp cận các công nghệ mới nhất từ công ty mẹ và đóng góp đáng kể vào thành công của chi nhánh ở Việt Nam chính là một ưu thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp trong kế hoạch chiêu mộ nhân tài có kỹ năng và chất lượng cao của Việt Nam.