Sống áp lực bởi bằng cấp

Dường như điểm số và bằng cấp là thứ khiến cho đa phần ông bố bà mẹ ở Việt Nam đau đầu và lên cơn sốt.

Áp lực ngay từ lúc còn thơ

Thoạt tiên, họ sẽ ép con học cật lực với lịch trình học thêm kín đặc như thời gian biểu của một giám đốc tập đoàn. Họ hạnh phúc tột bậc khi nhìn bảng điểm lộng lẫy của con. Họ khoe tới lui trên Facebook nếu con mình đạt được những thành tích rực rỡ vào cuối năm học. Họ lo lắng nếu con chẳng may có một điểm dưới trung bình. Và, họ khổ sở đến tuyệt vọng khi so sánh bảng điểm của con nhà mình với con nhà người ta.

Sau khi bằng mọi cách dỗ dành, năn nỉ, ép buộc, đe dọa, treo giải thưởng chẳng xong, vì con nhà mình học kém vẫn hoàn học kém, họ sẽ áp dụng phương án cuối cùng là “chạy”. Đứa trẻ bị tiêm nhiễm cái mục tiêu điểm số và bằng cấp ấy, rốt cuộc khi trưởng thành cũng sẽ tiếp tục tự “chạy bằng” cho mình để có được một chỗ đứng.

Một lần nọ, chị bạn tôi mới ở Đức về hỏi xem có thể cho con gái chị đến học cùng con gái tôi một buổi ở trường để giao lưu được không. Con chị (sinh ra và lớn lên ở Franfurt) và con gái tôi bằng tuổi nhau, đều học lớp 8. Tôi sắp xếp cho hai đứa trẻ đến trường một ngày, để rồi cô bạn nhỏ từ Đức về và tất cả bọn trẻ hôm đó đều sốc. Lý do là vì cô gái mới đến, dù tiếng Anh, tiếng Đức làu làu nhưng lại không thể giải nổi bài toán đơn giản nhất. Cô cho bạn xem sách toán lớp 8 của mình thì lập tức bị các đồng niên Việt Nam phá lên cười vì “Mấy bài toán con nít này chúng tớ học từ tiểu học”. Học trò ta vốn giỏi, vì được học thêm và ôn luyện từ mẫu giáo, nên nếu chương trình học của Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra mà dễ quá thì khéo cả nước được 10 điểm hết; đành phải nâng dần độ khó lên để có thể chọn lọc.

Chúng ta chăm học có truyền thống, áp lực học vấn đè nặng lên đứa trẻ ngay từ lúc mới ra đời nhưng liệu tinh thần ham học ấy có phải là tín hiệu vui cho một đất nước ngày càng tiến bộ? Không, bởi lẽ, cái sự hiếu học này không đơn thuần khơi nguồn từ niềm đam mê tìm kiếm kiến thức, từ sự tò mò thôi thúc khám phá thế giới quan, từ sự tự nguyện cống hiến trí năng, mà “học giỏi” ở đây vốn chỉ được xem là một phương tiện để đứa trẻ tìm được một chỗ đứng khi trưởng thành.

Minh họa: Hoàng Đặng

Con đường để đạt được vinh hiển

Nhà nghiên cứu Lương Đức Thiệp cũng thẳng thắn phê bình “Học đối với không ít người Việt không phải để thỏa mãn một khát khao trí tuệ, mà chính là để làm kế mưu sinh”.

Cũng chính vì xem sự học chỉ giống như cái cần câu cơm, là con đò cập bến vinh hiển nên khi đã tìm được chỗ đứng trong xã hội, chả mấy ai còn ham học tiếp. Cái số liệu buồn lòng “Trung bình mỗi người Việt chỉ đọc 0,8 cuốn sách một năm” là minh chứng rõ nhất.

Thậm chí, không ít giáo viên cũng lười biếng trau dồi nghề nghiệp, không hề quan tâm đến việc cập nhật kiến thức. Chất lượng lao động tri thức thấp, cách làm việc chắp vá, đối phó, thiếu tính chuyên nghiệp chính từ cái gốc này mà ra. Nên nông nỗi nếu lúc nào cần thêm bằng cấp để thăng tiến thì người ta sẽ tìm cửa mua cho nhàn thân.

Từ năm 1996, UNESCO đã nhấn mạnh nguyên tắc “Học tập suốt đời” để phù hợp với xu thế phát triển toàn cầu. Nếu chỉ học trên ghế nhà trường, kiến thức ấy không đủ để sử dụng tiếp tục cho mấy mươi năm về sau. Tuy nhiên, chẳng cần đến khi UNESCO phải hô hào khẩu hiệu về giáo dục và học tập tiên tiến, từ trước năm 1945, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Tố đã phải thốt lên: “Phải nhận rằng người mình không ham học mấy. Thí dụ như người đỗ bằng tốt nghiệp, có công ăn việc làm thì thôi, không chịu học thêm”. Nhà phê bình Hoài Thanh đành buông tiếng thở dài: “Người mình vẫn được tiếng là hiếu học, nhưng đúng ra chỉ là hiếu lợi và hiếu danh. Khi sự học không đưa đến cho mình lợi và danh thì ít ai còn thèm màng đến nó nữa”.

Những người mua bằng đều nhằm mục đích lấy bằng cấp ấy phục vụ cho danh lợi. Cái sự làm quan, cái chỗ đứng diệu kỳ trong xã hội không hiểu sao cám dỗ như bùa như bả đối với nhiều người. Có phải một người làm quan, cả họ được nhờ nên khi vinh quy bái tổ võng lọng cao sang, họ được cả làng kéo nhau ra đón. GS Nguyễn Văn Huyên, ngay từ trước khi đảm nhiệm vai trò Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã ghi rõ tật xấu này của đồng bào mình: “Đa số chỉ mơ ước nghề làm quan là con đường đã vạch sẵn, không đòi hỏi nhiều cố gắng độc đáo mà lại đem đến nhiều vinh hiển”.

Chính vì phần lớn cày sâu cuốc bẫm trên ghế nhà trường chỉ nhằm cầu danh lợi, để sau này ra làm quan nên chúng ta mới hầu như không nổi trội trong những lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật, khoa học và kỹ nghệ, chứ không phải do ta kém cỏi. Học tập rõ ràng là điều tích cực mà ở thời đại nào, quốc gia nào cũng khuyến khích và trân trọng, nhưng học chỉ để ra làm quan thì sự học ấy đâm thành cản trở phát triển và tiến bộ của một quốc gia vậy. 

Nhận xét đáng lưu tâm

Từ năm 1924, cụ Ngô Đức Kế đã nhận xét: “Người nước mình từ xưa đến nay, cái tâm lý đối với việc học là học mà đi thi, cái mục đích chỉ là cầu lợi mà thôi”.

Cụ Phan Bội Châu đồng quan điểm, có lẽ đã tiên đoán được cái sự mua bằng, chạy điểm hăng hái của trăm năm sau: “Học để kiếm gạo, tệ hại lớn lắm. Vì cốt kiếm gạo thì cái mục đích đã dở, hoặc nhân vì mục đích đó mà sinh ra hay giả dối, hay tham lợi riêng, cốt được gạo thì thôi”.

Còn cụ Huỳnh Thúc Kháng đã chỉ ra cái tinh thần “ám muội” của sự học trên tờ báo Tiếng Dân do cụ làm chủ bút: “Người mình có cái tính di truyền, đi học cốt để làm quan, cha truyền con nối, dầu cho ngày nay phép học phép thi đổi ra cách mới, mà người đi học vẫn ôm cái hy vọng làm quan là chủ chốt”.

Cụ Phạm Quỳnh than phiền nước ta chẳng hiếm hiền nhân quân tử nhưng bậc đại triết học chẳng có người nào, ấy là vì quan niệm về học vấn của ta thực dụng quá – “Học để mà làm chứ không học để cho biết, cho nên sự học không ra ngoài phạm vi việc làm”.


Di Li