Bấp bênh cơ hội việc làm (*): An sinh bền vững cho người lao động

Trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu, rộng vào nền kinh tế thế giới và trước tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, việc triển khai thực hiện các cam kết khi tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với những điều kiện, tiêu chuẩn cao về lao động, việc làm đã và đang có những tác động mạnh mẽ đến việc hình thành các quan hệ lao động mới, việc làm phi truyền thống.

Dễ tổn thương

Theo ông Phạm Anh Thắng, Phó Chánh Văn phòng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Trưởng đại diện phía Nam, thị trường lao động Việt Nam tuy đã có bước phát triển cả về quy mô và chất lượng, song về cơ bản phát triển chưa đủ mạnh để giải phóng mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế – xã hội, chưa tạo được nhiều việc làm theo hướng bền vững, mất cân đối cung – cầu lao động cục bộ giữa các vùng, khu vực, ngành nghề và nhân lực chất lượng chưa cao.

Lao động làm việc tại Công ty CP Nhà máy Trang thiết bị y tế USM Healthcare (Khu Công nghệ cao, TP Thủ Đức, TP HCM). Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Bên cạnh đó, đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trong thời gian qua đã làm cho thị trường lao động bị ảnh hưởng nặng nề, hàng triệu lao động bị giảm giờ làm, giảm thu nhập, tạm dừng việc, mất việc làm, thất nghiệp đã và đang dẫn đến việc lao động ở khu vực phi chính thức có xu hướng tăng cao. Bước vào năm 2023 với nhiều nỗi lo đã xuất hiện từ cuối năm trước đó. Đó là việc các doanh nghiệp (DN) bị cắt giảm đơn hàng dẫn đến nhiều người lao động (NLĐ) phải mất việc, mất thu nhập khiến cuộc sống đi vào khó khăn.

Đầu năm 2023, một số DN thâm dụng lao động lại tiếp tục cắt giảm lao động, điều này chưa có dấu hiệu dừng lại. Đây cũng là hệ quả của một quá trình dài thu hút đầu tư chưa chú trọng đến phương án nhân lực nên các DN nước ngoài đến đầu tư chủ yếu tuyển lao động phổ thông (LĐPT), chưa qua đào tạo. LĐPT, lao động chưa qua đào tạo chiếm một tỉ lệ rất lớn trong thị trường lao động dẫn đến chất lượng việc làm chưa cao, năng suất lao động thấp khiến thu nhập của NLĐ chậm được cải thiện. Thực tế, đây là lực lượng lao động luôn đối diện với việc làm không bền vững và dễ tổn thương.

TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia, nêu rõ điểm hạn chế khá lớn của kinh tế nói chung và DN nói riêng là chưa chuyển dịch theo hướng hạn chế dần các ngành thâm dụng lao động, tăng cường tham gia chuỗi giá trị. Sản xuất công nghiệp cơ bản vẫn là gia công, lắp ráp với giá trị gia tăng thấp và thâm dụng lao động rẻ. Không ít DN được xếp vào nhóm sản xuất công nghệ cao nhưng bản chất vẫn gia công.

“Ví dụ, tại một xí nghiệp sản xuất tai nghe điện thoại iPhone, khi tôi hỏi công nhân được đào tạo bao lâu trước khi tham gia dây chuyền thì nhận được câu trả lời: “Không cần học gì!”. Nếu đơn giản như vậy thì có gì là công nghệ cao, hàm lượng công nghệ ở đâu?” – TS Trần Du Lịch đặt câu hỏi.

Giảm thâm dụng lao động

Theo các chuyên gia lao động, trong bối cảnh các DN chuyển đổi cơ cấu sản xuất theo hướng đầu tư vào công nghệ và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất – kinh doanh, cơ hội quay trở lại thị trường lao động của LĐPT sau khi bị mất việc là không cao.

Thực tế tại các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cho thấy lao động chưa qua đào tạo gặp nhiều khó khăn hơn khi đi tìm việc làm mới. Nhiều DN tuyển LĐPT nhưng đòi hỏi tay nghề, trình độ, bằng cấp chứ không tuyển “tờ giấy trắng” bởi nguồn cung lao động đang lớn hơn cầu. Việc thiếu lao động có chất lượng tiếp tục là điểm nghẽn cho việc phát triển việc làm chất lượng, hướng đến việc làm bền vững. Từ thực tế trên, TS Trần Du Lịch góp ý phải tiếp tục phát triển các khu công nghệ cao mới với định hướng trở thành nơi “sản xuất ra công nghệ cao” để ứng dụng cho toàn vùng và cả nước, không phải nơi “sản xuất ra sản phẩm công nghệ cao” để thu hút được dòng vốn đầu tư chất lượng từ nước ngoài, thu hút được những “đại bàng” đến làm tổ.

TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, nhấn mạnh nền kinh tế cần chuyển đổi nhanh, mạnh theo hướng giảm thâm dụng lao động. Nếu không, những vấn đề về ô nhiễm môi trường hay NLĐ dư thừa nhưng không sử dụng được do trình độ thấp, không đáp ứng nhu cầu… sẽ tồn tại kéo dài, ngày càng khó giải quyết.

Tình trạng NLĐ mất việc sau dịch COVID-19 và không tìm được việc làm mới là lời cảnh báo cho việc phải thay đổi mạnh mẽ cơ cấu nền kinh tế, cơ cấu nguồn lao động. “Cần đẩy mạnh đào tạo lao động trình độ cao mới có thể đáp ứng nhu cầu của các DN có vốn đầu tư nước ngoài ở mọi lĩnh vực, tránh được tình trạng lao động vừa thừa vừa thiếu – thừa lao động trình độ thấp, thiếu lao động đạt tiêu chuẩn” – TS Lê Đăng Doanh nói.

Nghị quyết 06/NQ-CP, ngày 10-1-2023, của Chính phủ đã xác định: “Cùng với thị trường hàng hóa – dịch vụ, tài chính, tiền tệ, khoa học – công nghệ và thị trường bất động sản, thị trường lao động được xác định là một thị trường trọng yếu của nền kinh tế và cần được đổi mới, đẩy mạnh phát triển trong giai đoạn hiện nay”.

Do vậy, theo ông Phạm Anh Thắng, trong giai đoạn tới, cần có những giải pháp cụ thể, có tính đột phá để một mặt thu hút NLĐ vào khu vực chính thức, bảo đảm việc làm thỏa đáng, một mặt nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua đào tạo để góp phần tăng thu nhập cho NLĐ. Đồng thời, hoàn thiện thể chế về thị trường lao động có tính bao trùm, lấy cơ chế, chính sách của nhà nước làm “bà đỡ” đối với các loại hình lao động đặc thù; xây dựng các chính sách nhằm khuyến khích, hỗ trợ DN sử dụng lao động lớn tuổi, các chính sách hỗ trợ tạo việc làm cho các đối tượng yếu thế, các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, từng bước mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp, bổ sung các chế độ hướng tới bảo hiểm việc làm cho NLĐ.

Phòng ngừa rủi ro

Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, hiện lưới an sinh xã hội bảo đảm mức độ hỗ trợ tối thiểu, do vậy trong thời gian tới sẽ phải tính toán cao hơn một bước. Đó là các chính sách có thể bảo đảm cho NLĐ được phòng ngừa rủi ro, khắc phục rủi ro và chủ động ứng phó với rủi ro. Có như vậy lưới an sinh và chính sách xã hội mới bền vững và toàn diện. Hai vấn đề việc làm và an sinh xã hội sẽ cần giải quyết đồng bộ, tiến hành đồng thời. “Năm 2023 và những năm tới, việc hình thành một thị trường lao động linh hoạt, đồng bộ, hiện đại, bền vững, mang yếu tố hội nhập phải đi cùng với xây dựng và phát triển một hệ thống chính sách an sinh xã hội toàn diện, bao trùm, bền vững” – ông Phạm Anh Thắng bày tỏ.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 21-3


GIANG NAM – HOÀI DƯƠNG