Liên minh vũ trụ Nga – Trung bấp bênh

Bà Mariel Borowitz, chuyên gia về chính sách không gian và là phó giáo sư tại Viện Công nghệ Georgia (Mỹ), cho hay: “Nga vẫn là một trong những đối thủ đáng gờm nhất trong cuộc đua không gian nhưng đánh giá kỹ, chúng ta sẽ thấy ngân sách, nhân sự và năng lực của Nga đã suy giảm”.

Đại diện của Trung Quốc tại Đại hội Vũ trụ Quốc tế vào tháng 9-2022 không nhắc đến Nga khi thảo luận về dự án mặt trăng. Nga cũng không được đề cập trên các bản tin truyền thông Trung Quốc về chương trình không gian của nước này.

Trong khi đó, GS He Qisong tại Trường ĐH Khoa học Chính trị và Luật Hoa Đông (Trung Quốc) cho rằng chương trình không gian của Trung Quốc gần như đã bắt kịp, nếu không muốn nói là vượt qua Nga.

 Trung Quốc đang tìm cách sử dụng chương trình không gian của mình như một công cụ quyền lực mềm để cạnh tranh với Mỹ. Đó cũng là lý do khiến Bắc Kinh và Moscow lên kế hoạch xây dựng Trạm Nghiên cứu mặt trăng quốc tế (ILRS). Dự án này còn chào đón sự tham gia của các quốc gia khác.

Nữ phi hành gia Trung Quốc Liu Yang vẫy tay chào khi tàu Thần Châu 14 trở về vào tháng 12-2022, sau sứ mệnh dài 6 tháng tại trạm vũ trụ Thiên Cung Ảnh: REUTERS

Việc Nga bị cô lập khỏi các dự án không gian quốc tế cho thấy Trung Quốc cần phải tìm thêm đối tác, đặc biệt là vào thời điểm các nước đang chuẩn bị cho một kỷ nguyên mới của hoạt động thương mại không gian.

Dù vậy, theo hãng tin Bloomberg, trong khi gần 20 quốc gia đã tham gia Hiệp định Artemis do Mỹ dẫn đầu thì chưa có nước nào đăng ký gia nhập ILRS.

Thêm điều không như ý khác cho Trung Quốc: Vào tháng 1, người đứng đầu Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) cho biết liên minh 22 quốc gia thành viên này không có kế hoạch cho các phi hành gia của họ đến Thiên Cung – trạm vũ trụ mới hoàn thành năm 2021 của Trung Quốc.

Trước tình hình đó, các cơ quan vũ trụ của Trung Quốc và Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất sẽ hợp tác trong một số dự án chung, bao gồm chương trình phát triển tàu thám hiểm mặt trăng, được công bố vào tháng 9-2022.

Tương tự, các lĩnh vực hợp tác khác với Trung Quốc – từ thương mại đến công nghệ, Nga đang trở thành một đối tác yếu thế. Ông Florian Vidal, nhà nghiên cứu tại một trường đại học ở Na Uy, cho rằng Nga không thể duy trì chương trình mặt trăng của riêng họ và Trung Quốc sẽ là bên dẫn dắt.


Xuân Mai