Sẽ là phiến diện nếu chỉ coi chuyển đổi số đơn thuần là giảng dạy từ xa thông qua webcam
PGS- TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐHQG TP HCM, cho rằng chuyển đổi số là sự thay đổi về cách thức hoạt động của một tổ chức nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ bằng cách khai thác ứng dụng công nghệ và dữ liệu. Đối với giáo dục ĐH, mục tiêu này chính là nâng cao hiệu lực hiệu quả quản trị, nâng cao chất lượng đào tạo, phục vụ cho sự phát triển của đất nước.
Chuyển đổi số “cưỡng bức”
PGS- TS Vũ Hải Quân cho biết hơn 10 năm qua, ĐHQG TP HCM và các trường ĐH thành viên đã từng bước đầu tư, phát triển các nền tảng hỗ trợ cho hoạt động chuyên môn, học thuật trong hệ thống như: thư viện số, hệ thống quản lý học vụ… Tuy nhiên, các nền tảng này còn rời rạc, chưa liên thông trong toàn hệ thống, chưa khai thác hết những tiến bộ của công nghệ để phục vụ đào tạo, chưa thực sự hỗ trợ được cho công tác quản trị, quản lý và chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của người học, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Tại buổi tọa đàm với chủ đề: “Chuyển đổi số trong giáo dục đại học: Cách làm và hiệu quả” tổ chức tháng 7- 2022 tại Đà Nẵng, PGS-TS Phan Cao Thọ, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật (ĐH Đà Nẵng), cho rằng chuyển đổi số trong giáo dục ĐH đã được nói đến từ hơn hai thập kỷ qua khi mạng Internet được sử dụng phổ biến và thế giới bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhưng quá trình chuyển đổi số diễn ra khá chậm. Cho đến khi đại dịch COVID-19 bùng phát và kéo dài, ảnh hưởng đến mọi hoạt động trên toàn cầu thì chuyển đổi số mới thực sự trở thành nhu cầu cấp thiết, là giải pháp cứu cánh cho nhiều lĩnh vực, trong đó có ngành giáo dục, khi việc học trực tiếp tại trường là không thể.
“Có thể nói COVID-19 đã thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số diễn ra cấp bách và nhanh chóng hơn. Trong lĩnh vực giáo dục, chuyển đổi số không chỉ là số hóa bài giảng, hay ứng dụng các phần mềm vào xây dựng bài giảng mà còn là sự chuyển đổi toàn bộ cách thức, phương pháp giảng dạy, kỹ thuật quản lý lớp học, tương tác với người học sang không gian số.
Nhiều chuyên gia đồng ý rằng khoa học công nghệ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong giáo dục nhưng khi đại dịch COVID-19 bùng phát mới trở thành động lực thúc đẩy chuyển đổi số phát triển, trở thành hướng đi bắt buộc… Từ việc giảng dạy, hoạt động sinh viên, và các hoạt động hành chính diễn ra theo phương thức trực tiếp truyền thống, ngày càng nhiều đơn vị giáo dục chấp nhận hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến. Tuy nhiên, đây là quá trình chuyển đổi số một cách cưỡng bức chứ chưa có sự chuẩn bị, đầu tư kỹ lưỡng.
Ba tác nhân thúc đẩy chuyển đổi số
Cũng tại buổi tọa đàm với chủ đề: “Chuyển đổi số trong giáo dục đại học: Cách làm và hiệu quả”- PGS- TS Bùi Trung Thành từ Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên cho rằng, chuyển đổi số thực sự mang lại rất nhiều lợi ích trên tất cả các mặt cho mọi tổ chức từ điều hành quản lý đến nghiên cứu, tổ chức thực hiện…
Những lợi ích dễ nhận biết nhất của chuyển đổi số đối với tổ chức là giảm chi phí vận hành, ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn nhờ hệ thống báo cáo thông suốt kịp thời, tối ưu hóa được năng suất làm việc của người lao động. Kết quả là, chuyển đổi số tăng hiệu quả hoạt động và tính cạnh tranh của tổ chức, giá trị của tổ chức được nâng cao. Chuyển đổi số làm thay đổi cách chúng ta sống, làm việc và giao dịch với nhau.
TS Hoàng Thị Mỹ Lệ đến từ Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật (ĐH Đà Nẵng) cho rằng giáo dục ĐH thay đổi không chỉ ở những gì giảng viên dạy mà còn cả cách họ dạy thông qua chuyển đổi số bao gồm: nền tảng kỹ thuật số, phương tiện kỹ thuật số, thiết bị ảo, phương pháp giảng dạy và học tập dựa trên công nghệ.
Theo đó, sự bùng nổ của thông tin, sự phát triển của mạng internet đã làm môi trường dạy và học không còn bị bó hẹp trong không gian của giảng đường. Giảng viên và sinh viên có điều kiện tiếp nhận và chia sẻ thông tin nhanh hơn, liên tưởng nhanh hơn giữa kiến thức lý thuyết trên lớp với thực tiễn cuộc sống. Người học cũng dễ dàng truy cập vào kho dữ liệu khổng lồ, các thông tin được mở rộng, có cơ hội tương tác, kết nối không chỉ với giảng viên mà còn tương tác với các chuyên gia trong và ngoài nước.
“Thực tiễn này đòi hỏi cả người dạy lẫn người học phải thay đổi nếu không muốn bị tụt hậu và nguy cơ thất nghiệp khi ra trường vì không đáp ứng được yêu cầu xã hội”- TS Lệ nói.
Theo PGS-TS Vũ Hải Quân, có ba tác nhân thúc đẩy quá trình chuyển đổi số ở một trường ĐH là: ngân sách nhà nước ngày càng giảm; kỳ vọng ngày càng cao của người học; công nghệ ngày càng phát triển.
Ba thành phần cơ bản của quá trình chuyển đổi số gồm: con người; chiến lược; công nghệ. Bốn hiệu quả được kỳ vọng khi thực hiện chuyển đổi số là nâng cao chất lượng đào tạo, nâng cao hiệu quả nghiên cứu, xuất hiện những phương thức/mô hình đào tạo mới, và gia tăng nguồn lực tài chính.
“Sẽ là phiến diện nếu chỉ coi chuyển đổi số đơn thuần là giảng dạy từ xa thông qua webcam mà cần phải coi chuyển đổi số như là cả một hệ sinh thái đào tạo hiện đại với nhiều thách thức mới, cơ hội mới”- PGS-TS Vũ Hải Quân, nêu quan điểm.
TS Nguyễn Minh Hòa, Hiệu trưởng Trường ĐH Trà Vinh, cho rằng hoạt động chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục ĐH là giải pháp lâu dài, mang tính chiến lược, gắn với những cải cách mạnh mẽ, triệt để trong giảng dạy, học tập và quản lý đào tạo.
Yếu tố quyết định sự thành công của chuyển đổi số chính là quyết tâm cao của người đứng đầu cơ sở giáo dục ĐH và nhận thức sẵn sàng thay đổi của đội ngũ viên chức, giảng viên và học sinh – sinh viên trong nhà trường.
Nhiều chuyên gia cho rằng có nhiều yếu tố cản trở quá trình chuyển đổi số như chậm thay đổi về công nghệ, phụ thuộc công nghệ cũ, phân bổ nguồn lực không hiệu quả, kế hoạch cứng nhắc, và tâm lý ngại thay đổi của con người.