Nặng về độc thoại, nhẹ về đối thoại

Những vấn đề thời sự nổi cộm nhất của chính trị và an ninh thế giới, quan hệ quốc tế, đặc biệt quan hệ giữa các đối tác lớn luôn chế ngự chương trình nghị sự của diễn đàn thường niên này.

Giống như Hội nghị An ninh Munich ở Đức, Đối thoại Shangri-La thu hút sự quan tâm theo dõi của khu vực, châu lục và thế giới nhưng rồi sau đấy bị xao nhãng, thậm chí còn bị cả quên lãng, cho tới khi sang năm sau “đến hẹn lại lên”.

Ở Đối thoại Shangri-La lần thứ 20 năm nay, diễn ra từ ngày 2 đến 4-6, gần 600 quan khách và đại biểu tham dự tập trung bàn thảo về những chủ đề nội dung được ưu tiên, nổi bật là xung đột Nga – Ukraine và những hệ lụy đa dạng của nó, trong đó đương nhiên không thể thiếu tác động tới khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Một vấn đề nóng khác là chiều hướng diễn biến tình hình ở Trung Quốc về đối nội và đối ngoại, về quân sự và quốc phòng, đặc biệt về thực trạng và triển vọng của mối quan hệ giữa Trung Quốc với Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và các nước phương Tây khác. 

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin phát biểu tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore hôm 3-6. Ảnh: Reuters

Những chủ đề cũng được ưu tiên là vấn đề chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, tình hình chính trị an ninh ở khu vực biển Đông cũng như những ý tưởng về các cấu trúc an ninh chung cho khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương trong thời gian tới. Những thách thức an ninh phi truyền thống đương nhiên cũng được đề cập nhưng chỉ với mức độ và trong phạm vi hạn chế.

Các phiên thảo luận rất sôi động nhưng đều không thể thật sự thực chất. Xưa nay, Đối thoại Shangri-La không ra tuyên bố chung, không chính thức đúc rút kết luận sàng lọc các quan điểm và đề xuất. Các đại biểu tham dự tự nhận thức và nghiền ngẫm.

  • Đối thoại Shangri-La: Phát biểu quan trọng của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ

  • Trung Quốc ra điều kiện cứng để đàm phán với Mỹ

 Năm nay, diễn đàn lớn này gặp một số điều không tích cực. Chuyện xung đột Nga – Ukraine được quan tâm nhiều đến thế mà phía Nga không tham dự. Vấn đề tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên đặc biệt nổi bật trong thời gian gần đây nhưng nước này cũng vắng mặt ở Đối thoại Shangri-La 2023.

Lâu nay, Đối thoại Shangri-La còn được nhìn nhận như một chiếc hàn thử biểu về mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Ở hội nghị năm ngoái, bộ trưởng quốc phòng hai nước gặp nhau và phía Mỹ muốn cuộc gặp như thế tiếp tục diễn ra tại sự kiện năm nay nhưng bị phía Trung Quốc cự tuyệt.

Bắc Kinh đã không để cho Washington tận dụng diễn đàn lớn này để làm như mối quan hệ giữa hai nước không có gì bất bình thường nghiêm trọng, đặc biệt trong bối cảnh tân Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc vẫn có tên trong danh sách bị Mỹ trừng phạt.

Những diễn biến trên khiến cho Đối thoại Shangri-La 2023 trong thực chất nặng về độc thoại mà nhẹ về đối thoại, đưa ra ý kiến thuần túy nhiều hơn là có trao đổi thẳng thắn.

Dù vậy, bức tranh về tình hình chính trị, an ninh thế giới và khu vực được phác họa ở Đối thoại Shangri-La năm nay vẫn rất hữu dụng đối với các bên tham dự vì giúp có được những điều chỉnh đúng đắn và kịp thời về chính sách và chiến lược cho thời gian tới.

Mỹ – Trung Quốc đấu khẩu

Phát biểu tại Đối thoại Shangri-La hôm 3-6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho rằng việc Trung Quốc từ chối tiến hành đối thoại bên lề hội nghị đã làm suy yếu nỗ lực duy trì hòa bình tại khu vực.

Theo ông Austin, đối thoại càng nhiều giúp hai nước có thể tránh được những hiểu lầm, tính toán sai đe dọa dẫn đến khủng hoảng hoặc xung đột.

Ngoài quan hệ Mỹ – Trung, bài phát biểu của ông Austin còn đề cập quyết tâm của Washington đối với việc củng cố liên minh và quan hệ đối tác ở châu Á – Thái Bình Dương, cũng như nêu quan điểm của Mỹ về một loạt vấn đề nóng, như tình hình biển Đông, xung đột Nga – Ukraine…

Phía Trung Quốc nhanh chóng có phản ứng trước bài phát biểu trên. Ông Tan Hefei, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc, cho rằng bài phát biểu của ông Austin có “một số cáo buộc sai lệch”.

Trong khi đó, tướng Jing Jianfeng, thành viên cao cấp của phái đoàn tháp tùng Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc đến hội nghị, nhận định quan hệ quân sự giữa hai nước đang gặp khó và trách nhiệm hoàn toàn nằm ở phía Mỹ.

Theo Reuters, ông Jing cho rằng đối thoại đổ vỡ do Mỹ tăng cường trừng phạt các quan chức Trung Quốc, đồng thời gây bất ổn cho khu vực châu Á – Thái Bình Dương bằng cách hiện diện quân sự tại đó.

Hoàng Phương


Ngải Sa