Ngày đêm căng mình bảo vệ rừng

Đi len lỏi dưới những tán rừng trên núi Nam Quy (huyện Tri Tôn) hay núi Phú Cường (huyện Tịnh Biên) của tỉnh An Giang trong những ngày nắng nóng gay gắt trung tuần tháng 2, lớp thực bì dày cộm không làm chúng tôi êm chân, mà thay vào đó là nỗi lo cháy rừng.

Tập trung cao độ

Bước ra khỏi tán rừng và đứng từ xa nhìn vào núi, chúng tôi quan sát một thảm lá màu vàng và những cây khẳng khiu trơ lá. Điều đó chính thức báo hiệu một mùa khô, mùa phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) đang đến với vùng Bảy Núi của An Giang.

Lực lượng kiểm lâm luôn túc trực trên đài quan sát để chủ động PCCCR .Ảnh: VÂN DU

Rừng và đất rừng của An Giang hiện nay có gần 16.820 ha, không lớn so với các tỉnh, thành trong cả nước nhưng có vai trò rất quan trọng trong việc phòng hộ, bảo vệ môi trường sinh thái, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, gắn liền với sự phát triển của du lịch, bảo vệ đa dạng sinh học, cũng như phục vụ cho an ninh, quốc phòng biên giới.

Ông Trần Phú Hòa, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm An Giang, cho biết công tác bảo vệ rừng và PCCCR được ngành kiểm lâm tỉnh chuẩn bị từ nhiều tháng trước. Theo đó, các phương án bảo vệ rừng và PCCCR được chuẩn bị theo phương châm 4 tại chỗ. Ngoài nhân lực được bố trí tại các trạm kiểm tra, thì các phương tiện như: 4 xe tải phục vụ chuyển quân, 1 xe 15 chỗ, 1 xe chuyên dùng cơ động, hơn 270 máy bơm chữa cháy, 59 xuồng và vỏ lãi luôn được đặt trong tình trạng sẵn sàng phục vụ. “Những khu vực có nguy cơ cao như núi Phú Cường, núi Nam Quy được chúng tôi kiểm tra và có nhiều phương án PCCC. Lực lượng tuần tra, kiểm tra và phương tiện dập lửa luôn được phân bố rộng khắp các nơi có nguy cơ cao để kịp thời phát hiện cháy và chữa cháy. Đây là những tháng cao điểm của nắng nóng hằng năm, nên chúng tôi luôn tập trung cao độ để ứng phó với mọi tình huống” – ông Hòa nói.

Hằng tuần, các phương tiện PCCCR ở An Giang đều được kiểm tra, vận hành thử để chủ động khi có cháy rừng xảy ra .Ảnh: VĨNH KỲ

Rừng U Minh Hạ, tỉnh Cà Mau nổi tiếng với những cánh rừng tràm xanh bạt ngàn cùng vô số loài sản vật có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, để giữ được màu xanh trên thì lực lượng kiểm lâm, chủ rừng… đã đổ không biết bao mồ hôi, thậm chí là máu để rừng được an toàn trong những tháng mùa khô.

Chung tay giữ rừng

Chỉ tay về cánh rừng tràm đang khô dần, ông Quách Văn Tường, thành viên Đội Cơ động của Vườn Quốc gia U Minh Hạ, cho biết ông và đồng nghiệp được bố trí trực luân phiên tại đài quan sát lửa và tuần tra xuyên rừng từ những ngày đầu mùa khô. “Trong quá trình tuần tra, ngoài những giọt mồ hôi rơi thì không ít nhân sự thuộc lực lượng bảo vệ rừng phải đổ máu vì đạp cây nhọn, đối mặt nguy hiểm do thú dữ. Tuy nhiên, với suy nghĩ đặt nhiệm vụ bảo vệ rừng lên hàng đầu đã tiếp thêm động lực cho chúng tôi vượt qua khó khăn để quyết giữ màu xanh cho rừng tràm” – ông Tường chia sẻ.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Cà Mau cho biết công tác PCCCR của địa phương khó hơn một số tỉnh trong khu vực do không chủ động được nguồn nước. Hằng năm, trước khi mùa mưa kết thúc, tỉnh đã đắp các đập trữ nước ngọt, xây dựng các chòi canh lửa, phát dọn đường cản lửa… để phục vụ công tác PCCCR. Đồng thời, bố trí phương tiện, lực lượng trực tại những điểm “nóng” để kịp thời xử lý khi có tình huống xấu xảy ra; tăng cường tuyên truyền bảo vệ rừng… Từ đó, rất nhiều hộ dân sống dưới tán rừng tràm đã tự nguyện ký cam kết không đốt đồng, không chặt phá cây rừng, không khai thác mật ong… để cùng hướng đến mục tiêu bảo vệ rừng an toàn trong mùa khô.

Lực lượng chức năng ở rừng U Minh Hạ thường xuyên tổ chức tuần tra để chủ động PCCCR .Ảnh: VÂN DU

Ông Nguyễn Văn Mol (ngụ huyện U Minh, tỉnh Cà Mau) cho hay rừng ngoài mang lại nguồn thu nhập cho người dân còn góp phần chống lại biến đổi khí hậu… “Tôi và người dân nơi đây xem nhiệm vụ bảo vệ rừng như bảo vệ chính “nồi cơm” của gia đình. Khi có tập huấn nghiệp vụ PCCCR, chúng tôi điều tự nguyện tham gia để tích lũy kinh nghiệm” – ông Mol khẳng định.

Trước dự báo thời tiết diễn biến phức tạp, bất thường; nắng nóng, khô hạn diễn ra trên diện rộng và thời gian có thể kéo dài, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy rừng cao, UBND tỉnh Kiên Giang đã ban hành công văn chỉ đạo việc tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, phát triển rừng và PCCCR năm 2023.

Lãnh đạo Sở NN-PTNT Kiên Giang cũng đã chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm kiện toàn các tổ, đội phòng cháy cơ sở; tăng cường kiểm tra công tác phòng cháy. “Sở chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm phải thường xuyên kiểm tra bảo dưỡng trang thiết bị, đắp đập giữ nước, vận hành máy bơm thường xuyên và chuẩn bị phương tiện; phát huy phương châm “4 tại chỗ” trong công tác PCCCR tại các chủ rừng. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân tham gia bảo vệ, PCCCR” – ông Trương Thanh Hào, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang, cho biết. 

Chủ động 24/24 giờ

Việc cháy rừng trong những ngày nắng nóng đầu năm có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Mới đây, phía sau công viên Nam Quy (xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) đã xảy ra 1 vụ cháy trong phạm vi đất lâm nghiệp. Tổng diện tích đám cháy khoảng 400 m2 trên đất khai thác đá, không gây thiệt hại đáng kể. Tuy nhiên, lực lượng chữa cháy phải huy động gần 50 người và xe bồn, xe chữa cháy đeo vai để dập lửa.

Còn theo Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang, năm 2022, toàn tỉnh xảy ra 5 vụ cháy rừng, đều nằm trên địa bàn TP Phú Quốc. Diện tích rừng bị cháy 36.416 m2, hiện trạng rừng là cây bụi, dây leo, cây rừng đã bị chặt phá thời gian trước. Do đó, việc PCCCR trong năm nay luôn được chủ động 24/24 giờ đối với các lực lượng liên quan.

ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH


VĨNH KỲ – VÂN DU – DUY NHÂN